Tham dự sự kiện có nhiều quan khách như Ngài Johann Schneider-Ammann, nguyên Tổng thống kiêm Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ; Chủ tịch Phòng Thương mại Thụy Sỹ-châu Á (SACC) Urs Lustenberger; Vụ trưởng Thương mại quốc tế - Cục Kinh tế Liên bang (SECO) Markus Schlgenhof. Ngoài ra còn có khoảng 40 doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng doanh nhân Thụy Sỹ trên các lĩnh vực: công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tài chính và quản lý quỹ, máy móc thiết bị, dược phẩm, mỹ phẩm...
Phát biểu tại Lễ trao quyết định, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan chúc mừng TS. Philipp Rosler với vai trò mới là Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sỹ. Đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Âu, Lãnh sự danh dự có vai trò quan trọng như cầu nối, không chỉ giữa Chính phủ với giới doanh nhân mà còn giữa các cộng đồng. Việc nhận danh hiệu mới là Lãnh sự danh dự của Việt Nam đã bổ sung thêm cho sự nghiệp chính trị và kinh doanh quốc tế vốn đã nổi bật của TS. Philipp Rosler.
Đại sứ Lê Linh Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của Thụy Sỹ đối với Việt Nam và tiềm năng hợp tác và đối tác giữa hai nước. Năm 2021 là một năm rất đặc biệt trong mối quan hệ song phương, đánh dấu hai cột mốc lịch sử: 50 năm Quan hệ ngoại giao và 30 năm Hợp tác phát triển. Tình hữu nghị và hợp tác nửa thế kỷ là tuyệt vời trong mọi lĩnh vực và vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế.
Hai tháng trước, trong chuyến thăm chính thức rất hiệu quả tới Việt Nam, Phó Tổng thống Thụy Sỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Ignazio Cassis đã có cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn để thảo luận về các biện pháp thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và khối EFTA bao gồm Thụy Sỹ. Về lĩnh vực kinh tế, những năm gần đây, quan hệ hợp tác song phương có bước phát triển mạnh mẽ. Thụy Sỹ đã trở thành đối tác thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Khối lượng thương mại đạt kỷ lục 3,6 tỷ USD trong năm 2019. Khoảng 140 công ty Thụy Sỹ bao gồm các tên tuổi đẳng cấp thế giới như Nestle, ABB, Novartis, Roche, Holcim ... đã kinh doanh thành công tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, đưa Thụy Sỹ trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6 ở châu Âu.
Đại sứ cũng chia sẻ về một chuyến công tác an toàn và thành công vào tháng 11/2020 do Lãnh sự danh dự Philipp Rosler dẫn đầu trước khi ông được đề cử trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với các biện pháp và hạn chế nghiêm ngặt. Đoàn đã gặp Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Bộ Kinh tế - Thương mại, quyết định đầu tư 350 triệu USD vào lĩnh vực y tế, khởi nghiệp công nghệ và đáng chú ý là khu du lịch Phú Quốc.
Đại sứ Lê Linh Lan bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào Lãnh sự danh dự có năng lực Philipp Rosler để thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư, cùng hiệp lực và tăng cường hợp tác không chỉ giữa Việt Nam và Thụy Sỹ mà còn với cộng đồng doanh nghiệp nói tiếng Đức. Hy vọng rằng với bản chất bổ sung của hai nền kinh tế Việt Nam -Thụy Sỹ, động lực chính trị mạnh mẽ hiện tại, hai nước có thể cùng nhau đưa quan hệ đối tác lên cấp độ tiếp theo.
Về phần mình, TS. Philipp Rosler coi việc được bổ nhiệm làm lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sỹ là vinh dự to lớn, là trách nhiệm và cơ hội lớn được tri ân quê hương Việt Nam. Ông Rosler bày tỏ mong muốn được làm cầu nối thúc đẩy không chỉ giữa Việt Nam và Thụy Sỹ mà còn với cộng đồng doanh nghiệp nói tiếng Đức. Về cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông nhấn mạnh yếu tố về lực lượng lao động cần cù, có kỹ năng, sự năng động của nền kinh tế, môi trường chính trị xã hội ổn định, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nhiều lĩnh vực như công nghệ và số hóa, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch đang phát triển nhanh.
Nhiều doanh nghiệp Thụy Sỹ muốn có một chuyến thăm Việt Nam tìm hiểu cơ hội kinh doanh và phát hiện ra những tiềm năng mới mẻ. Nhưng trước tiên, giới doanh nghiệp rất hy vọng và trông chờ chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam đến Thụy Sỹ trong thời gian tới. TS. Rosler mong muốn các doanh nghiệp Thụy Sỹ hãy tìm hiểu cơ hội và đẩy mạnh hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhiều hơn nữa.
Là người Đức gốc Việt đang sinh sống làm việc tại Thụy Sỹ, ông Rosler được đào tạo chuyên ngành y và tốt nghiệp bác sỹ y khoa tại trường Y khoa Hanover năm 1999, và nhận được học vị tiến sỹ về phẫu thuật tim-lồng ngực, mạch máu năm 2002. Từ năm 2003, ông tham gia chính trị và được bầu là Chủ tịch nhóm nghị sĩ FDP, Quốc hội bang Lower Saxon năm 2009, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế, Lao động và Giao thông vận tải của Lower Saxony năm 2009. Từ năm 2009 – 2013, ông liên tiếp được bầu là Bộ trưởng Bộ Y tế Liên bang của Cộng hòa Liên bang Đức, Chủ tịch Đảng dân chủ Tự do FDP của Đức, rồi Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Cộng hòa Liên bang Đức. Ông Philipp Rösler trở về Việt Nam lần đầu cùng gia đình vào năm 2006 và có ấn tượng hết sức tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Từ năm 2014, ông và gia đình chuyển đến Zurich thành lập công ty tư vấn đầu tư tại Thụy Sỹ để hỗ trợ thúc đẩy hợp tác đầu tư với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Với vai trò thành viên Ban điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong năm 2018, ông đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số sáng kiến liên quan tới CMCN 4.0 và Hội nghị WEF Đông Á.
Diễn đàn doanh nghiệp về triển vọng và cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, với chủ đề chính liên quan đến chuyển đổi số và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam được diễn ra ngay sau Lễ trao quyết định. Các doanh nghiệp Thụy Sỹ đã chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Ý kiến chung đánh giá Việt Nam là một đất nước năng động. Sự năng động không chỉ trong giới quản lý hay doanh nhân mà có trong mọi người dân. Việt Nam cũng có một môi trường rất chào đón đối với đầu tư nước ngoài và tinh thần mở cửa hợp tác. Một số doanh nghiệp Thụy Sỹ đã hoạt động tại Việt Nam Zuellig Pharma, Bellecapital... cho rằng trong 10-15 năm tới kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh.
Có một số ý kiến của doanh nghiệp Thụy Sỹ bày tỏ quan tâm về môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, cũng như muốn biết những lĩnh vực nào có tiềm năng hợp tác nhất tại Việt Nam thời gian tới. Làm rõ hơn vấn đề này, công ty Bellecapital (công ty quản lý tài chính tài sản đã hoạt động tại Việt Nam gần 20 năm) cho biết hiện nay Chính phủ Việt Nam rất khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Môi trường cạnh tranh ở Việt Nam nhìn chung là bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Một số lĩnh vực sẽ có nhiều tiềm năng hợp tác cho doanh nghiệp Thụy Sỹ là bất động sản, các ngành sản xuất chế tạo, chuyển đổi số, công nghệ thông tin...
Đại sứ Lê Linh Lan phát biểu cho rằng hiện nay kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang phát triển rất tích cực. Môi trường khởi nghiệp ngày càng thuận lợi với số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng nhiều. Đặc biệt lĩnh vực kinh tế tư nhân đầu tư rất mạnh cho nghiên cứu phát triển và hiện chiếm đến 47% vốn trong hoạt động này. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng đang diễn ra sâu rộng, đem lại nhiều tiềm năng đầu tư cho doanh nghiệp Thụy Sỹ. Về chuyển đổi số, Đại sứ cho biết Việt Nam đang triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với tầm nhìn biến Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đại sứ cũng đánh giá có nhiều lĩnh vực rất giàu tiềm năng cho doanh nghiệp Thụy Sỹ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam như: sản xuất chế tạo, công nghệ tài chính (Fintech) và chuyển đổi số, năng lượng sạch, bất động sản và đặc biệt là phục hồi du lịch thời kỳ hậu COVID-19.
Tham tán thương mại Nguyễn Đức Thương cũng nêu ý kiến minh họa sự phát triển thành công của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thông qua hoạt động của những tập đoàn lớn như Vingroup, FPT, FLC... Còn theo TS. Rosler, yếu tố tiên quyết để duy trì tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy hợp tác chính là thể chế. Có thể nói Việt Nam đang có nền tảng thể chế thuận lợi. Việt Nam có chiến lược rõ ràng cho phát triển kinh tế xã hội. Quá trình tư nhân hóa ở Việt Nam đang đi đúng hướng và hạn chế được nhiều sai lầm mà một số nước đã vấp phải. Lĩnh vực kinh tế tư nhân phát triển năng động và sáng tạo. TS. Rosler dẫn chứng thành công của FPT, thể hiện qua những hợp tác sâu rộng với Đức thời gian qua về phần mềm và công nghệ thông tin.
Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, cạnh tranh với các nước đi đầu trong khu vực. Những khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đặc biệt là nỗ lực của chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường hiệu lực và hiệu quả đầu tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tính từ năm 2016 đến 2019 đã tăng 8 lần, đạt mức cao nhất là 861 triệu USD vào năm 2019.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã phát triển một hệ sinh thái mạnh mẽ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ. Sự triển khai cơ sở hạ tầng số và ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, nguồn nhân lực của Việt Nam được đào tạo và thực nghiệm càng ngày càng nhiều. Các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thực phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin đã thống trị các vòng gọi vốn trong những năm gần đây.
Thụy Sỹ là một quốc gia định hướng đầu tư ra nước ngoài, có nguồn vốn dồi dào, trình độ khoa học và công nghệ cao, uy tín quốc tế tốt, có thế mạnh trong xây dựng các quy trình hay tính ứng dụng thực tiễn. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Thụy Sỹ sẽ có nhiều cơ hội thúc đẩy đầu tư với Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chế tạo, sản xuất hàng hóa và hàng tiêu dùng; cơ sở hạ tầng; giáo dục, du lịch và khách sạn; công nghệ thông tin và phần mềm, khởi nghiệp; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Việt Nam và Thụy Sỹ có những lợi thế bổ sung, mối quan hệ ngoại giao tuyệt vời và sự thân thiện giữa người dân hai nước. Thụy Sỹ sẽ trở thành đối tác chiến lược tin cậy trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cả hai nước Việt Nam và Thụy Sỹ cùng có chung mục tiêu phát triển hài hoà, bền vững và đều có năng lực thực hiện.