Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đưa ra yêu cầu phải tăng cường khả năng hội nhập của doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế.
Tiếp tục 3 đột phá chiến lược
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương, các bộ, ngành đã thể hiện sự nhất trí cao với Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2016. Đại diện các địa phương bày tỏ tin tưởng với sự điều hành của Chính phủ đã giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời đóng góp một số ý kiến đối với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm tới, đưa ra các kiến nghị đối với một số vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách của Trung ương cũng như các vấn đề cụ thể của địa phương.
Theo đánh giá kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, năm 2015 nền kinh tế đã chuyển biến tích cực, đạt kết quả trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, các lĩnh vực như cải cách hành chính, cải cách môi trường kinh doanh... đã có kết quả tích cực, tạo tiền đề và điều kiện để chúng ta có quyết tâm và khả năng phấn đấu cao hơn, vững chắc hơn trong năm 2016.
Về các nhóm giải pháp để đạt được các mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2016 và 5 năm tới, Thủ tướng nhấn mạnh phải kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Từng bộ, từng địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Theo đó, cần hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường để huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Một mặt quản lý chặt chẽ nhưng mặt khác phải tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.
Đối với xây dựng hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu phải tạo cơ chế thu hút đầu tư của xã hội, cả trong nước và ngoài nước, để tạo sự đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng bởi chỉ nhìn vào ngân sách là không đủ. “Hiện nay, trong lĩnh vực giao thông, y tế… việc thu hút đầu tư của xã hội là rất khả quan”, Thủ tướng nói. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh đến yêu cầu đột phá về nguồn nhân lực, trong đó phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng, cạnh tranh trong kinh tế thị trường ngày càng quyết liệt, Cộng đồng ASEAN hình thành, nhiều Hiệp định thương mại tự do đã ký, đang vận hành, 55 quốc gia có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh là xu thế của thế giới mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Thủ tướng yêu cầu cần quan tâm đến nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Các bộ, ngành, địa phương phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo sức cạnh tranh. “Muốn hội nhập thành công phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chung nỗi lo về hội nhập, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, nhận thức của người dân, doanh nghiệp về cộng đồng ASEAN hiện vẫn hạn chế. Theo Phó Thủ tướng, trong khi các doanh nghiệp ở các nước rất quan tâm tới thị trường khu vực để phát triển thì doanh nghiệp Việt Nam lại chưa quan tâm nhiều. Về vấn đề này, theo Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức tuyên truyền trong thời gian qua nhưng thông tin tới doanh nghiệp vẫn khá thụ động. Điều này chính là điểm khác biệt với doanh nghiệp các nước. "Tình trạng hiện tại vẫn là doanh nghiệp chờ thông tin. Đó là sự khác biệt trong các nước ASEAN. Các nước khác, doanh nghiệp rất chủ động tìm hiểu thông tin," Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng rất lo về việc hội nhập sẽ kéo theo hàng hóa của của các nước ASEAN sẽ xâm nhập thị trường. Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, phải chú ý đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Trước mắt, Bộ Công Thương và các hiệp hội phải hỗ trợ các ngành hàng khởi kiện chống án phá giá đối với hàng hóa của các nước gây thiệt hại đối với doanh nghiệp nước ta.
Áp lực ngân sách từ giá dầu giảm
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Việc thu chi ngân sách năm 2016 có khá nhiều áp lực. Theo nhận định của người đứng đầu ngành tài chính, giá dầu 2016 khả năng sẽ có tác động khá lớn đến ngân sách. Theo kịch bản thu ngân sách, giá dầu năm 2016 dự tính là 60 USD/thùng nhưng hiện chỉ 35 - 36 USD/thùng. Vì vậy, phía Bộ Tài chính đã có kịch bản điều hành tính giá dầu ở các mức ở các mức 40, 45, 50, 55 USD/thùng. Thậm chí, để chủ động ứng phó, Bộ Tài chính đang tính có thêm kịch bản giá dầu ở mức 30 USD/thùng.
Để hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2016, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu các địa phương tích cực triển khai các giải pháp thu ngân sách ngay từ đầu năm. Đối với chi, tinh thần là phải cực kỳ tiết kiệm để có điều kiện bố trí ngân sách để làm lương và các việc khác. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh: “Cả năm 2016 và thời gian tới, kịch bản ngân sách phải đi theo hướng thắt chặt. Do đó, các địa phương cần quán triệt tinh thần phải thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm chi ngân sách. Cùng với đó, thời gian tới, Bộ Tài chính phải có kịch bản ứng phó với xu thế giá dầu giảm”.
Đối với việc thu chi ngân sách của các địa phương, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đặt ra yêu cầu phải triệt để tiết kiệm chi. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong năm 2015, số lượng đoàn đi nước ngoài vẫn còn lớn. Năm 2015 có khoảng 2.105 đoàn đi nước ngoài (năm 2014 là 2.348 đoàn), trong đó 35 tỉnh thành giảm số đoàn, còn trên 20 tỉnh thành tăng số lượng đoàn đi nước ngoài. “Các đoàn vừa qua đi đã có chương trình, mục đích, tăng hiệu quả, tuy nhiên vẫn có một số đoàn chủ yếu đi học tập kinh nghiệm” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nói.
Giảm lãi suất là rất khó
Câu hỏi lãi suất có thể giảm tiếp hay không, được cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đặt ra cho lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, dư địa để giảm mặt bằng lãi suất xuống nữa là rất khó. Nếu giảm mặt bằng lãi xuống bây giờ có thể được trong ngắn hạn nhưng nó sẽ phá vỡ tính ổn định lâu dài.
Người đứng đầu ngành ngân hàng phân tích: “Mặc dù, chúng ta thấy lạm phát năm nay rất thấp chưa đến 1%, nhưng phân tích kỹ sẽ thấy rằng lạm phát thấp chủ yếu do yếu tố bên ngoài tác động vào, đặc biệt là giá dầu và các mặt hàng thiết yếu của quốc tế. Còn nhìn lại năm 2014, nếu loại bỏ các yếu tố bất thường đó, lạm phát của Việt Nam là 4,97% xấp xỉ 5% mà mục tiêu Quốc hội đặt ra; cũng loại bỏ yếu tố bất thường thì lạm phát năm 2015 cũng ở mức xung quanh 3%. “Mặt bằng lãi suất của chúng ta hiện nay rất phù hợp với định hướng lâu dài là làm sao duy trì lạm phát ở mức dưới 5%”, Thống đốc nhấn mạnh.
“Năm 2015 lạm phát của chúng ta rất thấp, nhưng cũng không loại trừ lạm phát năm 2016 rất khó kiểm soát ở mức dưới 5%, vì dư địa cho giảm giá các mặt bằng mặt hàng thiết yếu trong đó có dầu thô đã cạn, thậm chí có chiều hướng tăng trở lại. Ngoài ra một số mặt hàng Nhà nước điều chỉnh có thể được điều chỉnh trong năm tới. Và để đạt mức tăng GDP mức 6,7% thì áp lực lạm phát là rất lớn. Do đó, chúng ta phải quản lý tốt giá cả, đặc biệt là giá mặt hàng thiết yếu, ngoại trừ giá năng lượng phụ thuộc vào giá quốc tế”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận định.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình phân tích: Trong thời gian gần đây, 6 tháng cuối năm 2015, có rất nhiều áp lực đối với việc tăng lãi suất. Đó là tín dụng hệ thống ngân hàng tăng rất mạnh. Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2015 của hệ thống ngân hàng đạt xấp xỉ 18%, trong khi tốc độ huy động vốn của hệ thống chỉ tăng hơn 13%. Như vậy, để đảm bảo tăng trưởng tín dụng thì nhu cầu về vốn tăng lên rất nhiều, trong khi đó, chúng ta còn dành nguồn vốn để hỗ trợ cho trái phiếu Chính phủ. Trên cơ sở cơ cấu nguồn vốn như vậy thì áp lực lên lãi suất rất là cao.