Vào những ngày đầu tháng 9 lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại ngôi nhà 48 Hàng Ngang - 35 Hàng Cân, nơi Bác Hồ đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước ngày 2/9/1945. Ngôi nhà này đã được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa vào ngày 29/4/1979.
Những dấu ấn lịch sử
Dịp này, cán bộ của điểm di tích 48 Hàng Ngang- 35 Hàng Cân (Bảo tàng Hà Nội) đang chuẩn bị triển lãm chuyên đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bản Tuyên ngôn độc lập" dự kiến diễn ra trong quý IV/2011. Bà Nguyễn Thị Mai, phụ trách điểm di tích này cho biết: "Trưng bày dự kiến chia làm 3 phần: Ngôi nhà Hàng Ngang nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Bản Tuyên ngôn độc lập; Tư tưởng Hồ Chí Minh trong Bản Tuyên ngôn độc lập; Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên định giữ vững nền độc lập tự do. Những tư liệu, hiện vật, ảnh giới thiệu… tại triển lãm lần này do Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh và TTXVN hỗ trợ, cung cấp. Do điểm di tích này gắn với sự ra đời của Bản Tuyên ngôn độc lập nên triển lãm sẽ tập trung vào chủ đề này. Bản thân căn phòng, nơi Bác và các đồng chí Trung ương Đảng làm việc, tại tầng 2 của tòa nhà này, cũng đã là một minh chứng cho một thời khắc lịch sử của Cách mạng Việt Nam".
Phần trưng bày ở tầng 1 tại 48 Hàng Ngang. |
Theo bà Mai, trưng bày lần này sẽ có phần dành riêng liên quan đến chủ ngôi nhà 48 Hàng Ngang là gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô và lịch sử ngôi nhà 48 Hàng Ngang - nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Bên cạnh đó, triển lãm cũng làm nổi bật sự kế thừa truyền thống dân tộc của Bản Tuyên ngôn độc lập qua hai bản trích bài thơ "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt- được nhìn nhận như là Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Đại Việt thế kỷ XI và "Đại cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi - Bản Tuyên ngôn độc lập thứ 2 của Đại Việt thế kỷ XV. Và Bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ là kế thừa truyền thống đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc ta”, bà Mai cho biết thêm.
Nơi Bác Hồ họp với Thường vụ Trung ương Đảng (1945). |
Nơi Bác Hồ viết Bản Tuyên ngôn độc lập (1945). |
Được biết, trước đây, điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập chỉ có tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà 48 Hàng Ngang; phần còn lại do Chi cục Thuế Hoàn Kiếm sử dụng. Năm 2008, di tích này đã được UBND thành phố Hà Nội khôi phục nguyên gốc gồm cả tòa nhà 48 Hàng Ngang - 35 Hàng Cân với diện tích mặt sàn hơn 443 m2. Trong khoảng thời gian năm 2008 - 2009, điểm di tích này tạm đóng cửa để tu sửa. Vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nơi đây mới mở cửa trở lại với trưng bày chuyên đề "Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", diễn ra từ tháng 5/2010. Hiện nội dung trưng bày này vẫn tiếp tục tại tầng 1 của ngôi nhà 48 Hàng Ngang.
Được sự giới thiệu của cán bộ điểm di tích 48 Hàng Ngang - 35 Hàng Cân, chúng tôi đã có dịp gặp bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô. Năm nay, dù 97 tuổi nhưng bà vẫn còn minh mẫn khi kể về những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bà Hoàng Thị Minh Hồ kể: “Ngôi nhà đã được ông bà sửa sang, tôn tạo theo lối kiến trúc hiện đại thời thuộc Pháp. Nhà có 4 tầng, tầng 1 làm cửa hàng bán tơ lụa tại 48 Hàng Ngang, còn phía 35 Hàng Cân là nơi để xe, kho hàng. Tầng 2 và tầng 3 có nhiều phòng dùng làm phòng tiếp khách, phòng ăn, phòng ngủ. Tầng 4 ngoài phòng để ở còn có một sân thượng phơi phóng. Ngôi nhà chạy dài theo kiểu "nhà ống" truyền thống, mặt trước là cửa hàng, còn mặt sau quay ra 35 phố Hàng Cân.
Lưu bút của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sổ lưu niệm của di tích 48 Hàng Ngang- 35 Hàng Cân. |
Do nằm ngay giữa khu buôn bán nhộn nhịp nên ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã được chọn làm địa điểm đón Bác Hồ. Hơn thế, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô là một gia đình yêu nước, được giác ngộ cách mạng và là một trong những cơ sở cách mạng tại nội thành, nên nơi đây đã được chọn làm nơi ở và làm việc của Bác cùng các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng trước ngày khởi nghĩa. Các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh đã đưa Bác đến ngôi nhà này. Xe ô tô đưa Bác không đỗ ở cửa trước mà đi vòng lối cổng sau thuộc phố Hàng Cân, vào tận sân trong.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ kể: "Dịp cuối tháng 8/1945, gia đình tôi chỉ biết có một “thượng cấp” đến ở và làm việc. Khi các anh Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh dẫn Bác vào nhà, chúng tôi ra chào. Tôi còn nhớ Bác mặc rất giản dị, áo nâu, quần soóc nâu, đội mũ dạ. Chúng tôi đưa Bác lên gác 3, nơi tôi đã dọn sẵn một buồng, nhưng Bác lại xuống tầng 2 ở luôn cùng các đồng chí và làm việc tại đó. Đến ngày 2/9, khi Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, gia đình tôi mới biết “thượng cấp” ở nhà chúng tôi chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ (thứ 2 từ trái sang). |
“Những ngày tháng 8 này, tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng hào hùng đó. Phố nào cũng có cờ đỏ sao vàng, người dân đổ ra đường đấu tranh, mít tinh giành độc lập. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố đất nước độc lập, người dân nào cũng vui vì từ nay không còn là người dân nô lệ nữa. Đó là điều sung sướng nhất”, bà Hoàng Thị Minh Hồ cho hay.
Làm sống động di tích
Đến điểm di tích 48 Hàng Ngang - 35 Hàng Cân, chúng tôi được chị Nguyễn Bích Hạnh, cán bộ điểm di tích dẫn đi thăm, giới thiệu về ngôi nhà, chỉ dẫn nơi Bác đã ở và làm việc tại ngôi nhà này từ ngày 25/8 đến đầu tháng 9/1945; nơi Bác cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại trong tình hình mới; về thể chế và thành phần của Chính phủ mới, về tổ chức ngày lễ Độc lập… Cũng chính tại căn phòng ở tầng 2 của ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng là văn kiện pháp lý, tuyên bố với toàn thế giới về quyền độc lập tự do của Việt Nam.
Chị Hạnh cho biết, du khách vào thăm điểm di tích này chủ yếu là khách nước ngoài; còn khách nội địa chủ yếu theo đoàn đến nhân dịp ngày lễ như thành lập Đoàn, dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Bình quân khoảng 40 - 50 khách/ngày. Khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp du lịch tại khu phố cổ cho thấy, khách quốc tế đến điểm di tích 48 Hàng Ngang vì muốn được chứng kiến nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Bản Tuyên ngôn độc lập. Tuy nhiên, hiện tại phần trưng bày chuyên đề về Bác ở đây không có gì mới so với hiện vật có tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi mà nhiều du khách đã ghé thăm khi vào Lăng viếng Bác. Hiện tại dù căn nhà 48 Hàng Ngang - 35 Hàng Cân đã được khôi phục nguyên gốc, nhưng phần cho du khách tham quan vẫn chỉ là tầng 1 và tầng 2 của khối nhà 48 Hàng Ngang, nên họ chỉ ghé qua chụp vài bức ảnh lưu niệm rồi về.
Theo các doanh nghiệp du lịch, điểm di tích này chưa thực sự tạo thành điểm thu hút do chưa đa dạng phần nội dung. Bên cạnh giới thiệu với du khách về một điểm Bác Hồ đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập, điểm di tích này có thể khôi phục, giới thiệu các nét văn hóa của người Hà Nội đầu thế kỷ 19, nhất là nơi đây từng là cửa hàng bán lụa nổi tiếng. Sự giới thiệu đa dạng về các hoạt động văn hóa như ngôi nhà cổ 87 Mã Mây là điều đáng để học tập, để di tích đến gần với cuộc sống. Có vậy mới tạo được sức hút với du khách.
Tầng 2, nơi Bác viết Bản Tuyên ngôn độc lập gồm hai căn phòng, một phòng tiếp khách và một phòng Bác ở. Phòng tiếp khách có ban công nhìn ra mặt phố Hàng Ngang, rộng chừng 50 m2, có cửa kính, cửa chớp, che rèm lụa trắng. Căn phòng nhỏ Bác ở có diện tích khoảng 20 m2, đồ đạc rất đơn sơ. Chính tại căn phòng nhỏ bé này, Bác Hồ đã khởi thảo Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bài và ảnh: Xuân Minh