Không những tiếp tục duy trì dàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong tuần qua, Trung Quốc tiếp tục có những hành động ngang ngược khác: phát hành bản đồ có “đường lưỡi bò” 10 đoạn bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông; đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất mới của Trung Quốc; khởi công xây dựng các công trình trên các đảo của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép, gia tăng các tàu chống phá tàu thực thi pháp luật của Việt Nam...
Những hành động này của Trung Quốc bị dư luận quốc tế và khu vực cực lực lên án.
Bố trí đội hình tàu 2 vòng để o ép tàu Việt NamMạn trái tàu Kiểm ngư Việt Nam 951 bị tàu Trung Quốc tấn công đâm toác, móp méo, hư hỏng nặng. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN |
Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết: Vị trí giàn khoan Hải Dương - 981 vẫn không thay đổi. Chiều 27/6, Trung Quốc vẫn duy trì số lượng lớn các tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương - 981, gồm: 110 - 114 tàu các loại, trong đó có 42 - 43 tàu hải cảnh, 13 - 14 tàu vận tải, 15 - 17 tàu kéo, 34 tàu cá và 6 tàu quân sự. Từ 9 giờ đến 9 giờ 36 phút, máy bay trinh sát cánh bằng không rõ số hiệu đã bay 3 lần qua khu vực tàu Việt Nam ở độ cao 1.000 - 2.000 m, sau đó bay ra hướng Tây Bắc. Khi các tàu Việt Nam tiến vào gần giàn khoan để thực hiện nhiệm vụ thì các tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu vận tải và tàu kéo của Trung Quốc đã tổ chức dàn thành hàng ngang, đồng loạt tăng tốc độ, hú còi, vây ép, ngăn cản (lúc gần nhất cách tàu Việt Nam khoảng 200 m) và sẵn sàng đâm va vào các tàu Việt Nam.
Đến 29/6, các tàu của Trung Quốc duy trì khoảng 116 - 122 tàu các loại, trong đó có 45 - 47 tàu Hải cảnh, 14 - 16 tàu vận tải, 17 - 19 tàu kéo, 34 tàu cá vỏ sắt và 6 tàu quân sự. Trung Quốc đã chia các loại tàu trên hiện trường giàn khoan thành 2 vòng, vòng ngoài gồm 7 - 11 tàu loại lớn, được bố trí trên các hướng tiếp cận giàn khoan Hải Dương - 981 của tàu Việt Nam, vòng trong gồm các tàu loại nhỏ bố trí cách giàn khoan khoảng 6 - 8 hải lý.
Khi các tàu Việt Nam tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách 10 - 11 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật thì các tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu vận tải và tàu kéo của Trung Quốc đều tăng tốc độ, tập trung ngăn cản. Các tàu vòng ngoài của Trung Quốc bao vây hai bên, vòng trong áp sát ngăn cản phối hợp với vòng ngoài sẵn sàng ủi đẩy, đâm va, lúc gần nhất cách tàu Việt Nam khoảng 100 m.
Ở khu vực tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt có khoảng 34 tàu cá vỏ sắt dưới sự hỗ trợ của 2 tàu Hải cảnh số hiệu 46102, 46106 của Trung Quốc đã thường xuyên bám sát, ngăn chặn, ép hướng các tàu cá Việt Nam, không cho tàu cá Việt Nam tiến vào gần khu vực giàn khoan.
Phát hành “bản đồ 10 đoạn” - một sự phi lýTrong tấm bản đồ mới do Nhà xuất bản Hồ Nam phát hành ngày 25/6 vừa qua, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, với việc tô đậm đường 10 đoạn lấn sát các bờ biển của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei, bao trùm gần hết diện tích Biển Đông, bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough Philippines công bố chủ quyền. Nhờ “đường lưỡi bò” 10 đoạn phi lý này, đã khiến tham vọng chiều dài lãnh thổ Trung Quốc mở rộng tới 5.500 km, trong khi chiều rộng là 5.200 km.
Khi đăng tải tấm bản đồ bất hợp pháp này, hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc còn trắng trợn tuyên bố: “Tấm bản đồ sẽ cung cấp cho độc giả một nhận thức toàn diện và trực quan về bản đồ tổng thể Trung Quốc... Từ đó, người đọc sẽ không bao giờ phải phân vân về việc lãnh thổ của Trung Quốc có tuyên bố chính và phụ”.
Điều này đã gây ra làn sóng phản đối gay gắt của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng, đây là “tham vọng bành trướng phi lý” của Trung Quốc và những tham vọng bành trướng này đang gây leo thang căng thẳng tại Biển Đông”.
Theo quy định của Công ước Luật Biển, ở Biển Đông chỉ có hai quốc gia quần đảo là Indonesia và Philippines được phép vẽ đường cơ sở theo quy định của Công ước; còn các quốc gia ven biển như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Brunei và Trung Quốc hoàn toàn không có quyền vẽ đường cơ sở quần đảo. Do đó, việc Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc khẳng định cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng là việc làm vô lý, không chỉ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này mà còn trái với quy định của Công ước Luật Biển về phương pháp vẽ đường cơ sở.
Trung Quốc còn vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết với các nước ASEAN năm 2002. Theo đó, “các bên khẳng định lại cam kết của mình đối với những mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, và những nguyên tắc được công nhận rộng rãi khác của luật pháp quốc tế”, “các bên cam kết tự kiềm chế những hành động có thể làm phức tạp hay làm leo thang những tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và sự ổn định, bao gồm những hành động xâm chiếm những hòn đảo, bãi đá ngầm, bãi cát, bãi san hô và những điểm khác hiện không có người sinh sống và giải quyết những bất đồng giữa các bên theo một cách thức xây dựng”.
Mới đây, Trung Quốc đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất mới của Trung Quốc; khởi công xây dựng dự án trường học và hoàn thiện dự án nhà ở công cộng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tiếp tục mở rộng, xây dựng và thay đổi nguyên trạng trái phép trên đảo đá Gạc Ma tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988. Với những hành vi này, thêm một lần nữa, Trung Quốc tiếp tục vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển và DOC.
P.V