Trước Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII: Cử tri quan tâm nhiều tới phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Sơn La đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Mường É (huyện Thuận Châu) và các phường Tô Hiệu, Quyết Tâm, Chiềng Lề, Quyết Thắng (thành phố Sơn La). Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long tổ chức 8 điểm tiếp xúc với gần 1.000 cử tri tại 8 huyện, thành phố trong tỉnh.


Tại Sơn La, sau khi nghe Đoàn ĐBQH tỉnh thông báo một số nội dung cơ bản của kỳ họp Quốc hội sắp tới, những chủ trương, chính sách, tình hình kinh tế xã hội của đất nước và của tỉnh trong năm 2012, nhiều cử tri có chung ý kiến, kiến nghị với Quốc hội về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách đối với người có công, đối tượng thuộc gia đình chính sách, chế độ cho cán bộ công chức ở cấp xã, bản. Cử tri cũng mong muốn Quốc hội ưu tiên nguồn vốn dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời xem xét lại các tiêu chí đánh giá quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương miền núi, do hiện nay các xã miền núi đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn, thiếu nhiều điều kiện quan trọng để thực hiện chương trình này.


Cử tri xã Mường É (huyện Thuận Châu) đề xuất việc tu sửa, làm mới tuyến đường nhánh từ quốc lộ 6 đến trung tâm xã và các trường học nhằm đảm bảo giao thông đi lại, tạo điều kiện thông thương, phát triển kinh tế, văn hóa giáo dục cho nhân dân; đề nghị các cấp chính quyền thực hiện hiệu quả chương trình 167 để góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân tại vùng sâu, vùng xa. Đối với chính sách kế hoạch hóa gia đình, cử tri kiến nghị cần có hình thức xử lý đối với những người không phải là đảng viên sinh con thứ 3; các trường hợp tảo hôn, kết hôn cùng huyết thống cũng cần có biện pháp xử lý thích hợp. Một số ý kiến của cử tri thành phố Sơn La đề nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ hoạt động của các tập đoàn Nhà nước như: Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản… Trước tình hình trên cả nước xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cử tri mong muốn Quốc hội có chế tài xử lý đối với các cơ sở vi phạm để ổn định tâm lý và đảm bảo sức khỏe cho người dân.


Tại Vĩnh Long, đa số ý kiến của cử tri tập trung vào 2 nhóm: Cơ chế chính sách và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong nhóm các ý kiến đóng góp về cơ chế, chính sách, cử tri tập trung nhiều ý kiến kiến nghị Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương cần có điều chỉnh nâng mức trợ cấp phù hợp cho đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở; tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giải quyết chính sách cho các đối tượng có công với cách mạng; điều chỉnh hợp lý việc tuyển sinh đại học, tránh xảy ra tình trạng ngành thừa, ngành thiếu sinh viên theo học dẫn tới tình trạng sinh viên học xong không có việc làm; cần xem xét lại các khoản thu phí, nhất là trên lĩnh vực giao thông sao cho phù hợp, tránh tình trạng lạm thu… Hiện nay, đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ xã, phường, thị trấn đang phải đảm đương khối lượng công việc rất lớn nhưng chế độ chính sách chưa thỏa đáng, mức lương, sinh hoạt phí thấp, không đảm bảo cuộc sống nên ảnh hưởng tới chất lượng công việc được giao. Việc thu hút nguồn nhân lực có năng lực, trình độ về cơ sở gặp khó vì mức khởi điểm thấp, nhất là đối với sinh viên mới ra trường.


Trong nhóm ý kiến về đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở cho vùng nông thôn, đặc biệt là nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa, trái cây và thủy sản của cả nước, cử tri cho rằng hạ tầng cơ sở nhiều nơi còn rất hạn chế, nhất là về cầu, đường giao thông đến các vùng sản xuất nông sản lớn của tỉnh như vùng khoai lang Bình Tân, vùng trái cây Trà Ôn, vùng sản xuất gạch, gốm, thủy sản Mang Thít... Đầu tư hạ tầng cho các xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh còn hạn chế.

Thực tế, nhiều địa phương ở Vĩnh Long có hiện trạng cơ sở hạ tầng còn rất thấp so với yêu cầu của tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong khi đó vốn ngân sách hỗ trợ không nhiều; ước năm 2011 đầu tư từ ngân sách cho 22 xã điểm 12,2 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 6% tổng vốn đầu tư xây dựng xã nông thôn mới. Ước tổng nguồn vốn đề án các xã cần đầu tư bình quân khoảng 200 tỷ đồng/xã. Theo Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách Trung ương cần hỗ trợ 40% (23% vốn lồng ghép, 17% vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình), tương đương khoảng 80 tỷ đồng thực hiện trong 4 năm, bình quân 20 tỷ đồng/năm (thực tế vốn lồng ghép năm 2011: bình quân khoảng 12,2 tỷ). Vì vậy, nếu Trung ương không đầu tư tăng thêm thì chắc chắn tiến độ đạt tiêu chí của các xã nông thôn nói chung, xã điểm nói riêng sẽ chậm so với kế hoạch.


Lê Hữu Quyết - Phạm Thị Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN