Để phục vụ xây dựng báo cáo đánh giá 3 năm kết quả thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", đồng thời có thêm luận cứ xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, ngày 20/6, Đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án dẫn đầu đã đến thăm, làm việc tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
Tại buổi làm việc, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã báo cáo kết quả thực hiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và định danh, xác thực điện tử, trong đó nhấn mạnh quyết tâm, hành động quyết liệt, sáng tạo, ưu tiên nguồn lực về con người, phương tiện của Bộ Công an để có thể hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, Bộ Công an đã lồng ghép các nhiệm vụ, tận dụng cơ sở vật chất, qua đó góp phần giảm mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, theo đúng nguyên tắc đã đề ra là "hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí".
Để phát huy những lợi ích, hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 về phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06). Triển khai Đề án này, Bộ Công an đã xây dựng ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNEID, phấn đấu đến năm 2025 có trên 40 triệu tài khoản người dùng, đảm bảo 100% các giao dịch công dân số được ký số xác thực. Hiện nay, Bộ Công an đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương từng bước hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ, tích hợp cơ sở dữ liệu, đến nay đã hoàn thành 22/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công "Đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông" trên Cổng dịch vụ công quốc gia để đăng ký trực tuyến đạt tỷ lệ 93,1%.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài nguyên quốc gia đắt giá, là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước.
Bộ Công an đề nghị Ban Kinh tế Trung ương phối hợp, cử cán bộ, chuyên gia đầu ngành phối hợp với Bộ Công an, đặc biệt là Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng các chương trình triển khai chính sách về phát triển kinh tế, xã hội cho quốc gia và cho từng vùng kinh tế trọng điểm, từng địa phương hàng năm và từng giai đoạn cụ thể; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai đạt hiệu quả cao Đề án 06, đặc biệt là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm hành lang pháp lý cho việc phát triển, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của ngành Công an. Trong thời gian ngắn, Bộ Công an đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 103 triệu phiếu thông tin, đã cấp trên 50 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành đối với công tác kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm. Yêu cầu về việc kết nối "hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất" đã được nêu rõ trong Nghị quyết 52-NQ/TW. Do đó, cần thể chế hóa nội dung này, nhất là từng bước hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc về hành lang pháp lý và phân công trách nhiệm cụ thể của bộ, ngành, các cơ quan liên quan để vận hành các Trung tâm dữ liệu an toàn, hiệu quả. Ban Kinh tế Trung ương sẽ đôn đốc các bộ, ngành về vấn đề này.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Tổ biên tập để xây dựng một số báo cáo chuyên đề phục vụ cho xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", tập trung vào những vấn đề về đặc điểm dân cư; tình hình lao động, việc làm tại Việt Nam tác động đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên cơ sở điều tra về dữ liệu dân cư cần xem xét, đánh giá về thực trạng phân bố không gian phát triển kinh tế Việt Nam gắn với vấn đề lao động, đặc biệt là lực lượng lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm...
Ban Kinh tế Trung ương cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc triển khai các nội dung về chuyển đổi số, những vấn đề mới phát sinh trong phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, nhất là trong quá trình triển khai Đề án 06.