Trong khuôn khổ chuyến thăm, đồng chí Võ Văn Thưởng đã có các cuộc gặp làm việc với lãnh đạo cấp cao của đảng cầm quyền, Chính phủ và Quốc hội Kazakhstan, trong đó có ông Bauyrzhan Baibek, Phó Chủ tịch Thứ nhất đảng “Nur Otan” cầm quyền; ông Nurlan Nigmatulin, Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan; ông Marat Tazin, Quốc Vụ khanh (cố vấn cao cấp của Tổng thống); ông Mukhtar TILEUBERDI, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Kazakhstan; và ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Nhân dân Kazakhstan (KNPK).
Lãnh đạo Kazakhstan nhiệt liệt chào mừng Đoàn, nhấn mạnh trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác giữa đảng “Nur Otan” và Đảng Cộng sản Việt Nam được ký vào tháng 11/2018, chuyến thăm này là động lực mới, quan trọng trong việc củng cố và thúc đẩy hợp tác quan hệ hữu nghị giữa đảng cầm quyền ở hai nước, tạo cơ sở chính trị quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Kazakhstan và Việt Nam.
Tại các cuộc hội đàm, tiếp xúc, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi đảng, mỗi nước; tình hình thế giới và khu vực mà hai bên cùng quan tâm; trao đổi các phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa Đảng ta với đảng “Nur Otan” cầm quyền của Kazakhstan nói riêng và quan hệ giữa hai nước nói chung trong thời gian tới.
Hai bên khẳng định, Việt Nam và Kazakhstan có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hữu nghị, được vun đắp qua nhiều thế hệ. Quan hệ chính trị giữa hai nước thời gian qua phát triển tốt đẹp thông qua các chuyến thăm cấp cao; hai bên thường xuyên phối hợp hành động chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc (LHQ) và tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư có chuyển biến tích cực, nhất là từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu có hiệu lực từ tháng 10/2016, tuy nhiên kim ngạch thương mại song phương chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai nước, đòi hỏi hai bên cần nỗ lực hơn nữa, tập trung khai thác thế mạnh cũng như nhu cầu của nhau.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, đồng chí Võ Văn Thưởng đã thông báo cho phía Kazakhstan về tình hình và những diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Phía Kazakhstan bày tỏ quan ngại về những diễn biến trên Biển Đông, chia sẻ lập trường giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và của Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.