Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về việc triển khai kế hoạch đưa học sinh đi học trở lại tại Việt Nam sau thời gian dài các trường học buộc phải đóng cửa vì dịch COVID-19, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Kidong Park, nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã và đang cân nhắc kỹ lưỡng việc mở cửa trường học, dựa trên đánh giá về tình hình dịch bệnh, những kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia khác và những lo ngại của phụ huynh về sự an toàn của con em.
Theo người đứng đầu WHO tại Việt Nam, việc học sinh đi học trở lại có lợi hơn so với những rủi ro từ dịch bệnh bởi việc đóng cửa trường học trong một thời gian dài gây ra những tác động tiêu cực về mặt giáo dục và sức khỏe đối với trẻ em và xã hội, đặc biệt là với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Những trẻ em này phải đối diện một cách bất bình đẳng với các thách thức khi tham gia chương trình học từ xa.
Ông Kidong Park cũng cho rằng mặc dù đã xuất hiện lây nhiễm trong trường học, nhưng nguy cơ lây bệnh tại trường học không cao hơn so với các môi trường khác, như nơi làm việc, nhà hàng hay trung tâm mua sắm.
“Chúng ta không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong trường học, nhưng chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ này bằng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát phù hợp”, chuyên gia WHO nhận định.
Đề cập tới chiến dịch tiêm chủng tại Việt Nam trong thời gian qua, trong đó có các học sinh từ 12 - 17 tuổi, ông Kidong Park đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thành kế hoạch bao phủ vaccine của WHO trên thế giới.
Từ tháng 6/2021, Việt Nam đã nhanh chóng đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân, nhằm đạt tỷ lệ bao phủ cao. Tính tới ngày 13/2, Việt Nam đã tiêm 186 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Khoảng 75 triệu người, tương đương 76% dân số Việt Nam, đã được tiêm đủ liều cơ bản. Với tỷ lệ này, Việt Nam đã đạt mục tiêu do WHO đề ra là tới giữa năm 2022, tất cả các nước trên thế giới hoàn thành tiêm vaccine cho ít nhất 70% dân số.
Về kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi tại Việt Nam, Trưởng đại diện WHO khuyến nghị để đảm bảo triển khai an toàn chương trình này, Chính phủ Việt Nam cần phê duyệt các loại vaccine theo đúng quy định, hoạch định tốt việc nhập khẩu và phân phối vaccine. Bên cạnh đó, cần có một hệ thống phản ứng nhanh trong việc theo dõi, báo cáo và xử lý sự cố sau tiêm nhằm đảm bảo an toàn, song song với việc phổ biến rộng rãi về hiệu quả của vaccine, những tác dụng phụ có thể xảy ra và lợi ích của việc tiêm chủng.
Tuy nhiên, để đưa học sinh trở lại trường học an toàn, ông Park khuyến cáo không nên cho rằng việc tiêm chủng cho trẻ em là điều kiện tiên quyết để mở cửa trường học, đồng thời nhấn mạnh có thể tạo ra một môi trường học tập an toàn cho trẻ em thông qua việc thực hiện nghiêm quy tắc 5K tại trường học cũng như trong cộng đồng.
Ông Kidong Park kêu gọi Việt Nam tiếp tục thực hiện truy vết sớm và xử lý các ổ dịch tại trường học bằng cách trao đổi với phụ huynh, giáo viên và những đơn vị có liên quan. Bảo đảm việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa lây nhiễm, đeo khẩu trang thường xuyên, tạo không gian học tập thông thoáng, giữ khoảng cách, chú ý đến những hành vi rủi ro cao và các biện pháp dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến; duy trì việc phổ biến thông tin trong phạm vi trường học và trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Đề cập tới việc một số phụ huynh vẫn ngần ngại khi đưa con đi tiêm, Tiến sĩ Kidong Park bày tỏ, các loại vaccine ngừa COVID-19 đã được cơ quan quản lý cấp phép sử dụng cho trẻ em đều an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh diễn biến nặng, giảm bớt số ca nhập viện, giảm thiểu các ca tử vong và ở một mức độ nào đó, vaccine cũng phát huy hiệu quả trong việc làm giảm sự lây lan của virus.
Trẻ em và thiếu niên có xu hướng mắc COVID-19 nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên, vẫn có một số nguy cơ khác cần xem xét khi trẻ em mắc COVID-19 như hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), khiến bệnh nhi có thể mất nhiều thời gian hơn để khỏi bệnh.
Chuyên gia WHO khuyến cáo Việt Nam tiếp tục tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng ưu tiên, đặc biệt là những nhóm chưa được tiếp cận vaccine, tăng độ bao phủ liều bổ sung, tiêm cho trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là các em có bệnh nền.