Xin bà đánh giá về quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) và bà nghĩ thế nào về đối tác Việt Nam?
Tất cả đều rất vui vì chúng ta đã đi đến được bước này sau một quá trình dài. Tất nhiên cuộc đàm phán này không phải bắt đầu từ con số 0. Chúng ta đã là đối tác lâu dài của nhau và đã có một Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện. Vì vậy hai bên đã có một sự hiểu biết tốt về nhau ngay từ khi bắt đầu đàm phán. Tôi thấy Việt Nam có ý thức rất mạnh mẽ về việc các hiệp định sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước trong tương lai như thế nào, và đó chính là những gì đã dẫn dắt các bạn trong cuộc đàm phán. Đoàn đàm phán của Việt Nam là một đội chắc chắn và rất có năng lực nên chúng ta đạt được kết quả rất tốt trong một thời gian khá ngắn. Bất chấp những khó khăn đến từ cả hai phía nhưng tôi nghĩ hai bên đã đạt được kết quả mà tất cả đều có thể tự hào.
Mọi cuộc đàm phán đều có những vấn đề không dễ giải quyết. Chúng tôi đã đàm phán cho một thỏa thuận rất toàn diện về phía EU, và Việt Nam cũng đã làm điều đó khi chúng tôi bắt đầu cuộc đàm phán. Nhưng tại những thời điểm xuất hiện các vấn đề mới đặt ra như mua sắm chính phủ chẳng hạn, phải mất một thời gian trước khi các bạn đi đến một giải pháp làm cả hai bên hài lòng. Trong quá trình đó rất nhiều nguyên tắc cứng rắn đã được các bên đưa ra. Tiếp theo, tôi nghĩ còn một vấn đề khác là đàm phán về dịch vụ, điều này rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, nó cũng đã và đang rất quan trọng đối với thị trường EU. Cuối cùng luôn có các cuộc thảo luận về các mức thuế - vấn đề rất quan trọng đối với cả hai bên.
Tôi nghĩ về tổng thể chúng tôi đã có một mối liên hệ rất chặt chẽ với các trưởng nhóm đàm phán ở cả hai phía cùng nhiều cuộc thảo luận về những vấn đề mà chúng tôi không nhất thiết phải có cùng quan điểm từ đầu. Nhưng về mặt tích cực, cả hai bên đều có thể đồng ý về con đường phía trước. Vẫn còn những điểm khác biệt và các bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý trên một số vấn đề.Nhưng ấn tượng lớn nhất mà tôi nhận thấy là về năng lực của nhóm làm việc và tôi rất hài lòng khi chứng kiến cuối cùng hai bên đã trở nên thân thiết và trở thành bạn bè tốt sau một quá trình dài đàm phán khó khăn.
Xin bà cho biết ý nghĩa của việc ký kết hai Hiệp định giữa Việt Nam và EU?
Tôi nghĩ rằng đây thực sự là bước tiếp theo của quá trình hướng tới việc các hiệp định sẽ đi vào hiệu lực sau khi được Nghị viện châu Âu (EP) đồng ý. Các văn bản của hai Hiệp định sẽ được trình lên EP để phê chuẩn. Thỏa thuận này sẽ là cơ sở để xây dựng Việt Nam như một trung tâm đầu mối kết nối và tôi nghĩ điều này rất quan trọng đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chúng tôi thấy nhiều công ty châu Âu đã coi Việt Nam là điểm đến đầu tư khả thi tiếp theo sau khi hiệp định có hiệu lực. Và tất nhiên chúng ta sẽ phải đảm bảo rằng mọi việc diễn ra suôn sẻ để các giao dịch kinh tế của cả hai bên có thể được áp dụng hiệp định càng sớm càng tốt.
Bà đánh giá thế nào về những khó khăn trong việc phê chuẩn hai Hiệp định tại EP mới và hai bên phải làm gì để có thể đạt được mục tiêu?
EU có một Nghị viện hoàn toàn mới và đây sẽ là FTA lớn đầu tiên cần tới sự đồng ý của Nghị viện. Cơ quan lập pháp châu Âu nói chung đã ủng hộ một số vấn đề về nội dung của các thỏa thuận, nhưng đồng thời họ cũng bày tỏ quan ngại về một số nội dung cụ thể khác. Một số trong đó được Việt Nam chứng minh rằng đã có những tiến triển, ví dụ việc EU thấy việc phê chuẩn công ước 98 của Tổ chức lao động quốc tế là một bước đi tích cực và tôi tin chắc rằng EP sẽ tiếp tục theo dõi sát những tiến triển về quyền lao động trong tương lai.
Tôi nghĩ giờ đây chúng ta thực sự phải làm việc cùng nhau để có thể giải thích những lợi ích về kinh tế cũng như xã hội đối với cả hai phía trong tổng thể chung. Khẩu hiệu được sử dụng thường xuyên cho giao dịch thương mại hiện nay là "Giao dịch thương mại cho tất cả", đó là một dấu hiệu cho thấy bất cứ điều gì chúng tôi đồng ý cũng thực sự mang lại lợi cho toàn bộ người dân của cả hai bên. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải tiếp tục tuyên truyền về những lợi thế của các thỏa thuận, và tất nhiên là chúng tôi hy vọng sẽ được chứng kiến những tiến triển thuận lợi tiếp theo của phía Việt Nam về các vấn đề nhạy cảm hơn và EU sẵn sàng hỗ trợ những tiến triển đó.
Xin bà có đôi lời đánh giá về phản ứng của doanh nghiệp châu Âu đối với việc hai Hiệp định?
Các doanh nghiệp châu Âu đã rất ủng hộ cho các cuộc đàm phán trong suốt cả tiến trình vừa qua. Họ nhìn thấy rất nhiều cơ hội trong thỏa thuận này và điều đó cũng rõ ràng với phía Việt Nam. Và như tôi đã đề cập trước đó, nhiều công ty đang xem thỏa thuận này chính là bến đỗ quan trọng trong khu vực ASEAN, với khả năng đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam và đồng thời mở ra con đường tiếp cận thị trường ASEAN thông qua Việt Nam. Tôi nghĩ đó là một điều rất tích cực. Rõ ràng là các doanh nghiệp mong muốn được thấy thỏa thuận đi vào hiệu lực càng sớm càng tốt. Một khi điều đó thành hiện thực, hẳn là họ cũng mong muốn mọi thứ trong FTA sẽ thực sự được thực thi đúng theo kỳ vọng, vì chúng ta có rất nhiều điều khoản sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam cũng như trong EU. Chúng tôi sẽ tạo ra nhiều sự đảm bảo về cải thiện môi trường pháp lý trong tương lai. Do đó, các doanh nghiệp về tổng thể luôn rất ủng hộ cho thỏa thuận này.
Tôi thấy các hiệp định sẽ rất hữu ích, đặc biệt cho một số lĩnh vực với các doanh nghiệp của EU. Rõ ràng là chúng ta có cơ hội để tạo ra nhiều dịch vụ hơn từ phía EU, và cũng chắc chắn là việc thâm nhập thị trường sẽ dễ dàng hơn với những cơ hội được mở ra trong việc tiếp cận các gói thầu mua sắm chính phủ của Việt Nam. Tôi tin rằng nhờ tính bổ sung giữa các ngành công nghiệp của Việt Nam và EU, cả hai bên sẽ nhận ra có vô số những điều trong thỏa thuận này là có lợi cho sự phát triển kinh tế của mình.
Xin trân trọng cảm ơn bà!