Thế nhưng, tai nghe, mắt thấy những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong công cuộc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo; những hy sinh thầm lặng của quân và dân ta ở quần đảo Trường Sa, có những người từng ở bên kia chiến tuyến đã có sự chuyển biến sâu sắc. Từ đó, họ nhìn về Tổ quốc với ánh mắt ấm áp và trái tim yêu thương với đồng bào.
Xóa tan những hoài nghi
Đồng hành cùng kiều bào trên hải trình lần thứ 10 thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 là Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân, Trưởng đoàn công tác đưa kiều bào lần đầu tiên ra thăm Trường Sa vào năm 2012 và sau đó còn vài chuyến công tác đưa kiều bào ra thăm biển đảo.
Ông Đỗ Minh Thái cho biết, một việc có ý nghĩa rất lớn trong công tác đưa kiều bào ra thăm Trường Sa là đưa những người từng ở bên kia chiến tuyến, còn mang nặng tư tưởng hoài nghi, tham gia thành phần đoàn.
Trong số những chuyến đưa kiều bào ra thăm Trường Sa, ông Đỗ Minh Thái nhớ nhất là hải trình năm 2014. Ông kể: “Đoàn năm đó có ông Nguyễn Ngọc Lập, cựu Thiếu úy biệt động chế độ cũ. Sau 21 năm sinh sống ở Hoa Kỳ, đây là lần đầu tiên ông trở lại Việt Nam".
Hải trình 10 ngày thăm biển đảo quê hương đã khiến ông Lập có nhiều chuyển biến. Ban đầu là sự niềm nở, ân tình của đoàn thủy thủ tàu, rồi khi được đặt chân lên đảo Song Tử Tây và tiếp xúc với cán bộ, chiến sỹ Hải quân Việt Nam đang ngày đêm bảo vệ biển đảo Tổ quốc, những suy nghĩ vốn hằn sâu trong ông đã dần phai nhạt.
Ông Đỗ Minh Thái nhớ lại, có lẽ bước ngoặt lớn nhất trong hành trình đối với ông Lập chính là khi gặp biến cố về sức khỏe trong những ngày cuối hải trình. Khi tàu đến Trường Sa, ông đã bị viêm cầu thận cấp. Nhận được thông tin này, một chiếc máy bay trực thăng của Bộ Tư lệnh Hải quân đã đưa ông cùng một bác sỹ đi theo từ đảo Trường Sa về Nha Trang cứu chữa. Nhờ kịp thời cấp cứu, ba ngày sau, sức khỏe của ông Lập đã ổn định.
Khi gặp lại, ông Lập chia sẻ: " 'Với cả hành trình này, Đại tá, chúng tôi thua các ông là đúng rồi'. Tôi đáp: 'Anh thấy không, đi với chúng tôi, anh đã thấy những gì ở biển đảo Việt Nam. Đó là chủ quyền của chúng ta ở đó đang được bảo vệ, giữ gìn. Chúng tôi không bắt anh phải thay đổi, là tự anh nói câu đó đấy nhé' ”. Ông Đỗ Minh Thái nheo mắt cười thú vị khi nhớ lại câu chuyện với người bên kia chiến tuyến.
Xây dựng niềm tin bằng trải nghiệm thực tế
Cùng đi với Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái trong hành trình năm đó, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết: Hải trình Trường Sa năm 2014 mang lại cho tôi những kỷ niệm sâu sắc nhất trong 4 lần ra thăm biển đảo quê hương.
Năm đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mời một số kiều bào từ Hoa Kỳ về dự chương trình, trong đó có cả những đối tượng cực đoan, từng tham gia các tổ chức chống đối. “Họ không tin rằng chúng ta đang bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam; họ cũng đưa ra những thông tin tuyên truyền sai lệch về chính sách đối ngoại chúng ta, chính sách đối với kiều bào ta ở nước ngoài, về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, trong đó có chủ quyền lãnh hải”, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn nhớ lại. Hành trình năm đó có các ông Nguyễn Ngọc Lập, Lý Kiến Trúc, David Đức.
Thế nhưng, chính con tàu HQ 571 này đã đưa họ ra Trường Sa để tận mắt chứng kiến sự thật. Tại quần đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; sát cánh cùng các lực lượng là đồng bào cả nước. Đảng, Nhà nước Việt Nam đang thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác hữu nghị, mong muốn cùng tồn tại bền vững, lâu dài với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn cho biết, trong hải trình 9 đêm 10 ngày đi thăm 9 hòn đảo và 2 Nhà giàn trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc, những người này đã dần được cảm hóa và họ đã tâm phục khẩu phục. Khi trở về, chính họ đã xác nhận và tuyên truyền cho những người còn nghi kỵ về công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đảng, Nhà nước ta. Đó là những bằng chứng sống, nhân chứng sống để minh chứng cho sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn nhớ lại hoạt động giao lưu do Đoàn công tác tổ chức ở đảo Trường Sa lớn năm 2014. Khi đó, ông David Đức vốn có nhiều định kiến, đã xúc động bày tỏ: "Thực tế lần này tôi về với mục đích muốn xem Chính phủ Việt Nam có che giấu không, nói đúng hay sai, nhưng đến bây giờ thì tôi khẳng định, mọi vấn đề là sự thật. Giờ đây, tôi muốn đứng trong hàng ngũ cán bộ, chiến sỹ ngoài đảo cùng cầm súng bảo vệ vững chắc lãnh hải của chúng ta, các bạn đồng ý không?" Khi đó, những người có mặt ở buổi giao lưu đều đồng thanh hô vang: "Nhất trí”.
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn khẳng định, quan điểm, nhìn nhận của những người còn có tư tưởng cực đoan, nghi kỵ, đã thay đổi một cách rõ ràng ngay sau những chuyến thăm Trường Sa. Bởi họ đã được tận mắt chứng kiến sự thật chứ không chỉ nghe suông những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc như trước đây. Những hải trình Trường Sa có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng niềm tin vững chắc vào chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khơi dậy trong kiều bào niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống chống ngoại xâm, về nền văn hóa giàu bản sắc của dân tộc Việt Nam, về tinh thần nhân đạo, nhân văn của ông cha ta.
“Tôi cho rằng, từ hải trình đầu tiên năm 2012 đến hải trình lần thứ 10 năm 2023, những dư luận xuyên tạc, thông tin sai lệch về chính sách đối ngoại cũng như sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã không còn nữa. Hải trình Trường Sa giúp kiều bào xa Tổ quốc ghi nhận thực tế tình hình biển đảo quê hương để có cái nhìn chính xác về chủ trương, chính sách biển đảo của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời khẳng định rõ, biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Quân và dân ta vẫn ngày đêm gìn giữ từng tấc đất, mét biển của non sông”, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ.
Bài cuối: Khát khao cống hiến cho quê hương