Trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ ba mục tiêu của chuyến thăm: Thứ nhất là tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước nói chung và quan hệ giữa các cơ quan lập pháp của hai nước nói riêng. Thứ hai là tạo động lực mới cho quan hệ song phương, tạo cơ hội để hai bên hiểu thêm về chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của mỗi nước. Thứ ba là so sánh quan điểm của hai bên về các vấn đề quốc tế và toàn cầu cùng quan tâm, đồng thời tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu nhằm đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Bài viết nhận định Việt Nam là đối tác thân thiết nhất của Ấn Độ ở Đông Nam Á. Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đã có một tầm vóc mới với những lợi ích chung về chiến lược, chính trị, an ninh và kinh tế. Cả hai đều mong muốn hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, cũng như tin tưởng vào chủ nghĩa đa phương. Hai nước đều đang hoạt động trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tư cách là ủy viên không thường trực, là thành viên của các diễn đàn nghị viện đa phương và hỗ trợ nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Bất chấp những hạn chế do đại dịch COVID-19 gây ra, quan chức hai nước vẫn duy trì trao đổi và tương tác. Bài viết cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ mở ra một loạt cuộc đối thoại và thảo luận nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Theo báo Times of India, chuyến thăm này diễn ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin và có ý nghĩa quan trọng, bởi cả Ấn Độ và Việt Nam đều có quan hệ rất thân thiết với Nga. Trong chuyến thăm của Tổng thống Putin, Ấn Độ và Nga đã thảo luận về khả năng hợp tác chung xây nhà máy điện hạt nhân ở các nước thứ ba như đã hoàn thành ở Bangladesh. Điều này mở ra khả năng hợp tác ba bên Ấn Độ-Nga-Việt Nam nhằm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Do đó, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ là bước tiến quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ giữa hai nước, không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng mà cả kinh tế và an ninh hàng hải.
Bài viết nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch là một kỳ tích và Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng. Những yếu tố này khiến Ấn Độ coi quan hệ thương mại với Việt Nam là đặc biệt quan trọng. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước, hai bên cần sớm triệu tập cuộc họp lần thứ 5 của Tiểu ban hỗn hợp về thương mại để tìm biện pháp tháo gỡ kịp thời các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường của nhau. Điều này cho thấy mối quan hệ đầu tư giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ.
Theo bài viết, mối quan hệ chiến lược Việt Nam-Ấn Độ có tiềm năng to lớn trong việc đảm bảo hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây có thể là định hướng cho cuộc đối thoại nhân chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.