Theo tờ báo, khi bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 8/2020, EVFTA sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ 2 có hiệp định thương mại như vậy với EU, sau Singapore. Sau khi thỏa thuận này có hiệu lực, 71% hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam sang EU và ngược lại, 65% hàng hóa của EU xuất khẩu sang Việt Nam sẽ được miễn thuế. Các mức thuế còn lại lên tới 99% sẽ được Việt Nam loại bỏ sau 10 năm và EU loại bỏ sau 7 năm.
Việt Nam có dân số lớn thứ ba trong số 10 nước thành viên ASEAN. Năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 3.500 USD. Việt Nam đã được hưởng lợi từ chương trình ưu đãi thuế quan của EU. Tuy nhiên, EVFTA chắc chắn sẽ khiến EU trở thành khách hàng lớn hơn của Việt Nam. Đặc biệt, các ngành được kỳ vọng sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ là may mặc và giày dép, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam đang đứng thứ ba trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh.
Các công ty dệt may Việt Nam đã chuẩn bị gia nhập thị trường EU. Sau khi EVFTA có hiệu lực, khối này sẽ bãi bỏ thuế đối với 77,3% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% còn lại sau 7 năm.
Trong thời gian gần đây, nhiều công ty trong ngành dệt may Việt Nam thông báo hợp đồng của họ với các đối tác ở EU và Mỹ đã bị hủy bỏ, trì hoãn hoặc thu hẹp. Ngành may mặc của Việt Nam cho biết tất cả các công ty trong ngành đều bị ảnh hưởng vì đại dịch. Những hy vọng đang gia tăng về việc EVFTA sẽ mang lại cú hích rất cần thiết cho Việt Nam - nền kinh tế chắc chắn sẽ tăng trưởng chậm hơn so với tốc độ 7% trước thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19. Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc 34 tỷ USD trong năm nay, giảm mạnh so với con số 39 tỷ USD của năm ngoái.
Không chỉ Việt Nam, EVFTA là tin tốt cho các công ty đa quốc gia bên ngoài EU. Trong số các doanh nghiệp Nhật Bản, các công ty may mặc như Fast Retailing (doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo và có cơ sở sản xuất tại Việt Nam) và các hãng sản xuất phụ tùng ô tô, máy móc sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu.
Nikkei Asia Review dẫn các số liệu thống kê của Chính phủ Việt Nam cho biết năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 42 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khối này sang Việt Nam đạt 15 tỷ USD.
Việt Nam kỳ vọng rất lớn vào hiệp định thương mại này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam ước tính kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với kịch bản không có thỏa thuận. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo EVFTA sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 2,4% và kim ngạch xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết thỏa thuận này sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo ở Việt Nam.
Về phần EU, EVFTA sẽ giúp cho EU tăng khả năng tiếp cận với một thị trường tiêu dùng hấp dẫn. Riêng với Anh - quốc gia đã rút khỏi EU, nước này vẫn sẽ là một phần của EVFTA cho đến cuối năm 2020. Trong một hội nghị trực tuyến, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward nói với các công ty Anh tại đây rằng hai nước đang làm việc về một thỏa thuận thương mại song phương và dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay.
Việt Nam cũng tham gia tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với sự tham gia của tất cả các quốc gia Đông Nam Á cùng với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Việt Nam cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Israel. Các công ty trong nước cũng đang kêu gọi Việt Nam đàm phán về hiệp định thương mại tự do với Mỹ càng sớm càng tốt.