Truyền thông quốc tế quan tâm tới các định hướng phát triển của Việt Nam

Kết quả Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của truyền thông khu vực và quốc tế.

Chú thích ảnh
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội. Ảnh: TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, tờ NewStraitsTimes (Malaysia) ngày 1/2 dành nửa trang báo trong chuyên mục Thế giới đưa tin về kết quả Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài báo nêu rõ chủ trương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên quyết chống tham nhũng đã được đa số người dân Việt Nam và các đảng viên ủng hộ, đồng thời nhận định một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ tới là thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng. 

Bài báo trích lại ý kiến của Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales (Australia), bày tỏ kỳ vọng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng.

Tương tự, tờ Malaymail cũng đưa tin kết quả Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh nhiệm kỳ tới Việt Nam sẽ tập trung vào nhiệm vụ phục hồi kinh tế trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045.

Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) bình luận kết quả Đại hội cho thấy Việt Nam đang chú trọng sự ổn định của nhà nước. Việt Nam sẽ duy trì lập trường và chính sách hiện nay, mở cửa với thế giới bên ngoài và thu hút đầu tư nước ngoài làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Yonhap, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược hiện nay giữa Hàn Quốc và Việt Nam dự kiến sẽ được nâng lên cấp độ cao hơn là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (vào năm 2022).

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney, ông Kyle Springer, chuyên gia phân tích cao cấp của Trung tâm Perth USAsia có trụ sở tại bang Tây Australia, nhận định kết quả của Đại hội rất quan trọng đối với Australia trong bối cảnh hai nước đang xây dựng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng hơn và Australia muốn phát triển quan hệ đối tác kinh tế với Việt Nam. Theo ông Springer, Australia là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam kể từ khi công cuộc Đổi mới bắt đầu vào năm 1986. Về phía Việt Nam, kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI, Việt Nam đã mong muốn phát triển quan hệ bền chặt với Australia. Vị chuyên gia người Australia nhận xét: "Quan hệ giữa Việt Nam và Australia đã mở rộng rất nhiều kể từ Đại hội Đảng lần thứ XII được tổ chức vào năm 2016. Kể từ đó đến nay, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược chính thức vào năm 2018 và hiện cùng tham gia hai hiệp định thương mại đa phương lớn là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)". Hai bên đã nhận ra tầm quan trọng của việc hợp tác cùng nhau để hình thành kiến trúc kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Springer cũng nhấn mạnh định hướng kinh tế của Việt Nam sau Đại hội Đảng XIII có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết đối với Australia khi nước này đang nỗ lực đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại và đầu tư với các nước láng giềng đáng tin cậy như Việt Nam.

Hãng tin Reuters (Anh) ngày 1/2 cũng đưa tin về Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó đặc biệt đề cập tới mục tiêu phục hồi kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới dựa vào sự kết hợp có điều chỉnh giữa các thỏa thuận thương mại tự do, thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân và các biện pháp chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt. 

Theo Reuters, với việc đang nắm giữ một loạt các thỏa thuận thương mại tự do và ngày càng thu hút các nhà đầu tư, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức thông qua mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân 5 năm (2021-2025) khoảng 6,5 - 7%. Trong kế hoạch phát triển kinh tế trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ phát huy vai trò là một trung tâm sản xuất chủ chốt của các tập đoàn toàn cầu như Samsung, Electronics Co và Intel Corp. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đặt mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam không chỉ là thị trường sở hữu nguồn lao động dồi dào với giá nhân công rẻ, mà còn là một trung tâm khoa học và công nghệ.

Theo Reuters, bất chấp đại dịch COVID-19, trong tháng 1, một đơn vị của công ty công nghệ Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc) đã có giấy phép đầu tư 270 triệu USD tại Việt Nam để triển khai dự án sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay với quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm. Trong khi đó, nhà sản xuất chip của Mỹ Intel cũng tăng số vốn đầu tư vào Việt Nam thêm 475 triệu USD lên mức 1,5 tỷ USD.

Tờ Nam Đức (SZ) của Đức cũng ghi nhận Việt Nam trỗi dậy về mặt kinh tế với tốc độ gần như chưa từng có trong vài thập niên qua và việc phòng chống đại dịch COVID-19 một cách hiệu quả đã mang lại sức mạnh cho Đảng. Tờ này nhấn mạnh: "Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách đối nội, đối ngoại hiện tại".

Hằng Linh - Nguyễn Minh - Phương Oanh (TTXVN)
Đại hội XIII của Đảng: Tự hào và vững tin!
Đại hội XIII của Đảng: Tự hào và vững tin!

Tự hào khi đất nước đạt được nhiều thành tựu nổi bật và vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao; vui mừng, phấn khởi trước thành công của Đại hội XIII; kỳ vọng vào những dấu mốc mới trên chặng đường phát triển đất nước sau Đại hội; mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN