Phát biểu tại lễ bàn giao, Phó Tổng giám đốc Lê Quốc Minh, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo TTXVN nhấn mạnh: Ban lãnh đạo TTXVN luôn quan tâm, chỉ đạo đơn vị chức năng thu thập, sưu tầm hiện vật, gặp gỡ nhân chứng, ghi lại các câu chuyện, làm đầy đủ thông tin, nguồn gốc các bức ảnh, hiện vật liên quan đến lịch sử báo chí Việt Nam, cũng như lịch sử truyền thống TTXVN. Công tác bảo tàng muốn thành công, giới thiệu đến công chúng một cách hiệu quả, cần kể được những câu chuyện hay, khai thác khía cạnh cảm xúc của đời sống hiện vật. TTXVN sẵn sàng chia sẻ những hiện vật quý giá đó để phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Phó Tổng giám đốc Lê Quốc Minh hy vọng thời gian tới, bên cạnh các tư liệu, hiện vật truyền thống, Bảo tàng báo chí Việt Nam sẽ chú trọng trưng bày các hiện vật, sản phẩm truyền thông hiện đại, tiêu biểu cho báo chí kỷ nguyên số. Với nội dung này, TTXVN sẽ đóng góp được nhiều sản phẩm thông tin sáng tạo, tiên phong trong làng báo Việt Nam.
Giám đốc Bảo tàng báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa, đại diện đơn vị tiếp nhận hiện vật, bày tỏ: Khi thực hiện xây dựng Bảo tàng báo chí Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam luôn xác định TTXVN là điểm nhấn tiêu biểu, cần ưu tiên tái hiện lịch sử, những thành tựu cơ quan Thông tấn quốc gia đã đạt được từ khi ra đời, gắn với lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Đơn vị không thể hoàn thành được nhiệm vụ nếu thiếu sự giúp đỡ của các cơ quan báo chí, đặc biệt là TTXVN. Từ năm 2017 đến nay, Bảo tàng báo chí Việt Nam đã thu nhận được hơn 20.000 hiện vật, trong đó đa phần là hiện vật gốc. Dự kiến, Bảo tàng sẽ mở cửa đón khách trong dịp 21/6 năm nay.
14 hiện vật quý được bàn giao là nỗ lực của cán bộ, phóng viên Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn (TTXVN), thời gian qua đã lựa chọn trong số hàng trăm, hàng nghìn bức ảnh, hiện vật của ngành, cùng những chuyến đi sưu tầm hiện vật, gặp gỡ nhân chứng. Trong số này, hầu hết đều là những hiện vật gốc, không ít hiện vật là độc bản.
Tiêu biểu là bộ máy thu phát tin của các phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng sử dụng để phát tin từ các chiến trường về Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhờ đó, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ và hy sinh, Thông tấn xã Giải phóng vẫn luôn đảm bảo thông tin thông suốt, thu tin của tất cả các phân xã ở các tỉnh phía Nam và liên lạc hai chiều với Tổng xã tại Hà Nội 24/24 giờ hằng ngày.
Một hiện vật quý nữa là lá cờ Tổ quốc cùng bút tích của thuyền trưởng và chính trị viên tàu KN22 tặng phóng viên TTXVN, tháng 6/2014. Trước đó, tàu KN22 đã va chạm với tàu Trung Quốc trong sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Trong thời gian này, TTXVN đã cử nhiều phóng viên tin, ảnh, truyền hình bám sát hiện trường, đưa tin, bài về sự kiện.
Bức ảnh “Bác Hồ và cán bộ, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã cùng con em trong cơ quan mừng sinh nhật lần thứ 60 của Người tại An toàn khu Việt Bắc (19/5/1890-19/5/1950)” được ép gỗ, kích thước 98 x80 cm cũng là một hiện vật quý bàn giao đợt này.
Bên cạnh đó, còn có nhiều hiện vật quý như: Bản sao lục Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho nhà báo liệt sỹ Trần Kim Xuyến (1921-1947), đại biểu Quốc hội khóa I, Phó giám đốc Nha Thông tin Việt Nam phụ trách VNTTX; một số ấn phẩm của TTXVN những ngày đầu ra mắt như Bản tin Văn hóa - Thể thao quốc tế (báo Thể thao và Văn hóa hiện nay), số 1, năm 1982… cùng nhiều bức ảnh, hiện vật quý khác.
Những hiện vật này được bàn giao cho Bảo tàng báo chí Việt Nam kèm theo hồ sơ chi tiết về thông tin và nguồn gốc, phục vụ công tác trưng bày, như một lời tri ân các thế hệ đi trước, những người đã cống hiến mồ hôi, nước mắt và cả máu xương để xây đắp nên một cơ quan Thông tấn anh hùng.