Biên bản hợp tác này sẽ giúp người đọc Việt Nam cập nhật những thông tin mới và khách quan nhất về tình hình phát triển của BRICS, khối hiện có tỷ trọng trong Tổng sản phẩm toàn cầu tính theo sức mua (PPP) vượt Nhóm các nước Công nghiệp phát triển (G7), cũng như các hoạt động quốc tế của các nước thành viên BRICS. Về phía TV BRICS, mạng truyền thông này sẽ chuyển thể các tin tức, nội dung do TTXVN chia sẻ sang tiếng nước ngoài, đăng trên các nền tảng của mình – cổng thông tin và kênh truyền hình đa ngôn ngữ và phân phối thông qua mạng lưới đối tác, gồm hơn 70 cơ quan truyền thông lớn của nhiều nước trên thế giới.
Phát biểu sau lễ ký, Giám đốc điều hành TV BRICS Tolstikova cho rằng hợp tác giữa truyền thông Việt Nam, thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, với truyền thông các nước BRICS là cần thiết cho sự phát triển hợp tác toàn cầu. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh BRICS tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á. Thái Lan đã chính thức tuyên bố mong muốn tham gia BRICS và Malaysia đã bày tỏ sự quan tâm. Các nước thành viên BRICS như Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là đối tác quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Về phần mình, trả lời phỏng vấn của phóng viên kênh truyền hình TV BRICS, đại diện TTXVN cho biết lãnh đạo TTXVN đánh giá việc ký bản ghi nhớ là bước đi quan trọng trong việc phát triển trao đổi thông tin quốc tế, thúc đẩy hợp tác với các cơ quan truyền thông nước ngoài, trong bối cảnh BRICS có triển vọng tươi sáng, khi nhiều nước mong muốn trở thành thành viên của khối này.
Trước đó, trong khuôn khổ diễn đàn trên, đại diện TTXVN đã tham gia phiên thảo luận đặc biệt “Công nghệ mới trong ngành truyền thông: Sự phát triển công nghệ của ngành và nội dung truyền thông mới" đề cập tới việc ứng dụng cũng như những ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực truyền thông với sự tham gia của các diễn giả, nhà điều hành về truyền thông của LB Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Iran, Cuba. Trong phát biểu, đại diện TTXVN cho rằng AI có thể mang lại những lợi ích và đột phá to lớn cho sự phát triển kinh tế cũng như trong lĩnh vực thông tin. Tuy nhiên, các quốc gia trước tiên đều cần có một bộ quy tắc toàn diện về AI và các hãng thông tấn cần ban hành hướng dẫn về cách sử dụng AI để tránh những rủi ro, cũng như tác động tiêu cực đến an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Nhìn chung, các diễn giả đều cho rằng việc ứng dụng AI hiện đã diễn ra ở nhiều tòa soạn, giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất tin tức và cần xây dựng niềm tin cũng như những quy tắc về sử dụng AI để tránh những rủi ro tiềm ẩn.
Diễn đàn Công nghệ Thông tin quốc tế lần thứ 15 với sự tham gia của các nước thành viên BRICS và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (SCO) trong năm Nga giữ cương vị chủ tịch luân phiên BRICS, có 3.000 người đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như từ 61 chủ thể của LB Nga tham dự.