Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg lần thứ 20 (SPIEF 2016) tại thủ đô phương Bắc của nước Nga, hội nghị quan chức lãnh đạo các hãng thông tấn lớn trên thế giới với sự tham gia của 24 hãng thông tấn có uy tín trên thế giới như TASS (Nga), AP (Mỹ), ANSA (Italia), AFP (Pháp), Canadian Press, Kyodo News (Nhật Bản), Tân Hoa xã (Trung Quốc), EFE (Tây Ban Nha), DPA (Đức), India Today (Ấn Độ), Prensalatia (Cuba)... đã diễn ra. Đoàn TTXVN do Phó Tổng giám đốc Lê Duy Truyền dẫn đầu tham dự.
Các đại biểu đã thảo luận chủ đề "Những công nghệ mới nhất đối đầu với báo chí truyền thống. Liệu trí tuệ nhân tạo có là nguy cơ đối với nghiệp báo chí?".
Các diễn giả đều thống nhất cho rằng, kỷ nguyên công nghệ mới phát triển như vũ bão hiện nay đang làm thay đổi hoạt động tác nghiệp báo chí. Lãnh đạo AP, Canadian Press, hay Kyodo News cho biết nhiều hãng thông tấn đang ứng dụng phần mềm xử lý dữ liệu tự động, có thể sản xuất tin với tính năng vượt trội so với phóng viên, biên tập viên về tốc độ, chất lượng nội dung sản phẩm, qua đó giúp phát tin nhanh hơn, tiết kiệm hơn.
Tổng Giám đốc TASS, ông Sergey Mikhailov cho biết năm ngoái truyền thông Trung Quốc đã phát các tổng kết kinh doanh đầu tiên xử lý bằng phần mềm máy tính. Một bài viết khoảng 1.000 từ được tạo ra bằng rô-bốt chỉ trong 1 phút, với chất lượng tốt, khiến cho nhiều nhà báo Trung Quốc lo ngại.
Tuy nhiên các diễn ra cũng cho rằng đây chỉ là những phần mềm tự động, và trí tuệ nhân tạo chưa thể thay thế hoàn toàn các phóng viên. Mặc dù vậy, nhiệm vụ đặt ra cho các hãng thông tấn là phải tích cực ứng dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời người phóng viên phải thích ứng với mặt bằng công nghệ mới. Người phóng viên cần nỗ lực hơn nữa, đưa ra các sản phẩm trí tuệ hơn, giàu cảm xúc hơn, để trí tuệ nhân tạo không thể "cạnh tranh" với họ.