Áp dụng mức lương tối thiểu mới
Nghị định số 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ hôm nay (1/1/2017). Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2017 như sau: Vùng 1: 3.750.000 đồng/tháng; vùng 2: 3.320.000 đồng/tháng; vùng 3: 2.900.000 đồng/tháng; vùng 4: 2.580.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 180.000 - 250.000 đồng/tháng.
Từ 1/1/2017, người lao động sẽ được hưởng mức lương tối thiểu vùng mới với mức tăng tối đa 250.000 đồng/người. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Đối tượng áp dụng gồm: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của nghị định này).
Nghị định cũng nhấn mạnh, khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Phạt xe không chính chủ
Từ ngày 1/1/2017 người dân không sang tên, chính chủ thì sẽ áp dụng điều 30 nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Cụ thể, cảnh sát giao thông phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên. Tuy nhiên, việc phạt xe không chính chủ chỉ được thực hiện trong khi phát hiện ra lỗi vi phạm giao thông, hay qua công tác quản lý hồ sơ.
Quy định này được áp dụng với cả những trường hợp được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự.
Cũng theo Nghị định 46, người điều khiển xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ giới hạn của cầu, đường mà tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 50%... bị phạt 2.000.000 - 3.000.000 đồng.
Cho phép cá nhân có quyền xác định lại giới tính
Ngày 1/1/2017, Bộ Luật Dân sự (BLDS) 2015 chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là bộ luật sửa đổi được cho là có nhiều điểm mới, tiến bộ so với luật cũ.
Theo đó, BLDS 2015 cho phép chuyển đổi giới tính đối với những người đã định hình, hoàn thiện về giới tính. Luật nêu rõ việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của bộ luật này và luật khác liên quan (điều 36: Quyền xác định lại giới tính; điều 37: Chuyển đổi giới tính).
Luật cũng quy định, cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
BLDS 2015 cũng quy định những quyền riêng tư như quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng, quyền bảo vệ bí mật gia đình hay được yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin tiêu cực về mình là không đúng sự thật...
Tiền phí nước thải sinh hoạt là 10%
Theo Nghị định 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, từ 1/1/2017, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, HĐND cấp tỉnh, thành phố quyết định căn cứ thực tế địa phương.
Những trường hợp chịu phí theo Nghị định 154 là nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt gồm: hộ gia đình; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; bệnh viện; phòng khám chữa bệnh; nhà hàng...
Đối với nước thải sinh hoạt từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng, mức phí được xác định theo từng người sử dụng nước, căn cứ vào số lượng nước sử dụng bình quân của một người trong xã, phường, thị trấn nơi khai thác và giá bán 1 m3 nước sạch trung bình tại xã, phường, thị trấn ấy.
Nghị định 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.