Cụ thể, ở lĩnh vực hộ tịch, Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ quy định bãi bỏ quy định nộp bản sao/xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú đối với nhóm thủ tục: đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài; đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, đăng ký lại kết hôn có yếu tố nước ngoài; đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài; đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài; đăng ký khai sinh; đăng ký kết hôn; đăng ký nhận cha, mẹ, con; đăng ký khai tử; đăng ký kết hôn lưu động; đăng ký khai tử lưu động...
Chính phủ cũng bãi bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Khi đăng ký khai sinh cho con, cha mẹ trẻ không cần xuất trình đăng ký kết hôn (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn).
Đối với thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài sẽ bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam).
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định giảm bớt yêu cầu thông tin trong 19 mẫu Tờ khai ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp theo hướng thông tin về công dân Việt Nam trong các tờ khai chỉ cần cung cấp họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú). Đối với 12 thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp mà tự khai thác trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong lĩnh vực quốc tịch, sẽ bỏ thủ tục thông báo có quốc tịch nước ngoài.
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không cần xuất trình hoặc nộp các giấy tờ như: giấy tờ tùy thân của người liên quan đến người xin nhập quốc tịch (cha, mẹ hoặc người giám hộ trong trường hợp người đó dưới 18 tuổi); giấy chứng nhận kết hôn; giấy chứng minh nơi cư trú của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Đối với thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam: Bãi bỏ bản sao hộ khẩu, sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam); thông tin về ngày tháng năm sinh, nơi sinh, giới tính, quốc tịch, dân tộc, nơi thường trú, tạm trú; họ tên cha/mẹ, họ tên vợ/chồng… đối với người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.