Mấy ngày qua, một thông tin gây sốc đối với người nuôi cá tra, basa, nhà xuất khẩu và cả người tiêu dùng trên diện rộng là Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) đã đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ “Màu Đỏ - Đừng mua”.
Có nhiều nguồn cơn để gây sốc bởi thông tin trên. Thứ nhất, bởi không thể tin nổi WWF có thể vội vàng “nhắm mắt” để “chuyển màu” con cá tra, basa Việt Nam khi hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với thực tế và chỉ dựa vào thông tin từ một doanh nghiệp khảo sát độc lập. Thứ hai, dù việc chuyển màu này không quyết định hoàn toàn số phận của con cá tra, basa nhưng nó cũng đủ để gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh mà con cá này đã dày công gây dựng trên trường quốc tế. Và thứ ba, nếu như không được xử lý, làm minh bạch, đính chính thông tin kịp thời, thì rất có thể toàn bộ người nuôi cá, doanh nghiệp xuất khẩu lẫn người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu cùng phải chịu thiệt hại nặng nề từ kết luận võ đoán và hết sức phi lý này!
Nông dân đang thu hoạch cá tra-Ảnh internnet
Việc WWF đưa cá tra, basa Việt Nam vào danh sách đỏ trong bối cảnh sản phẩm xuất khẩu thủy sản chủ lực này cũng đang phải đương đầu đối phó với phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ về việc áp mức thuế chống bán phá giá trên 100% càng làm cho câu chuyện và tính chất của vấn đề này trở nên phức tạp hơn. Trong khi hàng loạt DN xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam đã được công nhận tiêu chuẩn Global - Gap và sản phẩm này cũng đã được chứng minh là không hề bán phá giá thì các phán quyết phi lý cùng các chiến dịch bôi xấu cứ liên tiếp “giáng” xuống đầu con cá này buộc dư luận phải đặt câu hỏi: Liệu có uẩn khúc hoặc ý đồ nào đó đằng sau những quyết định này?
Không quá khó để nhận ra ý đồ thật khi mà sản phẩm cá tra, basa Việt Nam ngày càng được ưa chuộng trên thế giới bởi ngon, sạch, bổ và giá phải chăng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quyền lợi của các doanh nghiệp sản xuất cùng loại cá này ở các nước nhập khẩu bị ảnh hưởng và họ phải tìm cách phản kháng hoặc loại bỏ.
Biết được thực tế này để từ đó các doanh nghiệp, nhà quản lý của ta có thêm một kinh nghiệm trong việc đề phòng, ứng phó với những “quái chiêu” khi tham gia thị trường quốc tế. Thực tế cho thấy, sau mỗi lần có những phán quyết phi lý, chúng ta cũng đã lên tiếng hoặc phản pháo lại quyết liệt và ngày càng bài bản hơn, hiểu biết hơn. Nhưng dù gì đây cũng vẫn chỉ là những việc làm thụ động. Trong khi đáng lẽ, chúng ta phải xây dựng cho mình được thế chủ động, cả về tổ chức sản xuất, xuất khẩu, nghiên cứu khoa học lẫn công bố thông tin cho minh bạch, cụ thể, liên tục ra toàn thế giới, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản để đương đầu với các rủi ro kiểu như trên.
Từ thụ động sang chủ động là cả một quá trình, thậm chí còn là sự vượt lên chính mình. Nhưng, khi chấp nhận bước vào “cuộc chơi” hội nhập cùng sự vận động khắc nghiệt của thị trường thì chỉ có cách chủ động mới có thể cạnh tranh và thắng thế. Bởi vậy, việc chuyển dịch thái độ ứng xử từ thụ động sang chủ động đối với các phán quyết, quyết định, cạnh tranh không lành mạnh… phải là điều tất yếu.
Hồng Nga