Ngược ngàn theo đường 4C từ Quản Bạ chúng tôi tới Đồng Văn. Dừng chân trên đỉnh đèo nhìn về phía dưới thung lũng mây Sà Phìn ẩn chứa nhiều câu chuyện bí ẩn. Ở nơi đấy có dinh thự “Vua mèo” Vương Chí Sình, ông từng là đại biểu Quốc hội khóa I và II và được Bác Hồ tặng thanh gươm có khắc chữ “Tận trung báo quốc/Bất thụ nô lệ”. Thanh gươm vừa là một kỷ vật, vừa là một sự ghi nhận công lao đóng góp của ông Vương, của người Mông với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
“Pháo đài” miền biên viễn
Vương Chí Sình là con trai thứ của “Vua Mèo” đệ nhất Vương Chính Đức. Ông Vương Chính Đức có 3 người vợ và 4 người con trai: Vợ cả sinh được 2 người con trai là Vương Chí Tinh và Vương Chí Sình cùng 3 người con gái. Bà vợ hai sinh toàn con gái, còn bà ba có 2 con trai là Vương Chí Chủ và Vương Chí Châu. Trong 4 người con trai thì Vương Chí Sình là người nổi bật hơn cả trong việc kế tục sự nghiệp của “Vua Mèo” đệ nhất. Và có lẽ đây cũng chính là người duy nhất ứng với lời tiên đoán “vinh hiển đời sau” của thầy địa lý người Tàu khi chọn đất xây dinh thự nhà Vương.
Đến thung lũng Sà Phìn, chúng tôi háo hức bước lên những bậc thềm cao phủ đầy lá cây sa mộc để tham quan Nhà Vương. Đây là dinh thự đã từng một thời được coi là pháo đài miền biên viễn của cha con ông Vương Chính Đức và Vương Chí Sình. Dinh thự được ví như "Tử Cấm Thành", có tường đá dày bao quanh, có cổng đá, có "Tiền dinh", "Trung dinh" và "Hậu dinh” với lối kiến trúc đời Thanh (Trung Quốc), với diện tích 1.120m2. Người cho xây dựng Nhà Vương là Vương Chính Đức, vốn là người lao động của Thổ ty Hoàng Tự Bình, nhưng lại có uy tín trong vùng nên được Pháp cất nhắc lên làm Chánh Tổng. Khi Hoàng Tự Bình già yếu (vào đầu thế kỷ XX), Vương Chính Đức được cho làm Bang tá và đã xây dựng khu Nhà Vương của mình thành một dinh cư phú cường, độc đáo với lô cốt bảo vệ trổ nhiều lỗ châu mai nhìn suốt thung lũng Sà Phìn. Toàn bộ dinh thự, dài 64 m, rộng 22 m, cao 10 m, có 4 nhà ngang và 6 nhà dọc, 2 tầng, tổng cộng 64 buồng. Tường nhà trình đất dày, móng xây bằng đá hộc, cột kèo bằng gỗ nghiến, sàn gỗ, mái lợp ngói âm - dương. Riêng mái các hàng hiên thì dùng ngói ống màu lưu ly. Dinh thự là sự kết hợp giữa kiến trúc Pháp, kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc Mông truyền thống. Tổ hợp này được thiết kế theo hình chữ "Mục" (Mắt), nằm trên quả đồi có hình mai rùa, tựa lưng vào Bắc, cửa nhìn về Nam.
“Tận trung báo quốc - Bất thụ nô lệ”
Hậu duệ đời chắt của ông Vương Chí Sình bây giờ là cô Vương Thị Chở, hướng dẫn viên du lịch của khu dinh thự Nhà Vương ở Sà Phìn, cho biết: Ông Vương Chí Sình sinh năm 1885. Khi đến tuổi trưởng thành ông mở một cửa hàng buôn bán tạp hóa, dầu hỏa, vải vóc và thuốc phiện ở Phó Bảng. Từ Đồng Văn, ông Vương Chí Sình đem thuốc phiện và các loại lâm thổ sản về Hà Nội, rồi sau đó chuyển xuống Hải Phòng để bán và mua các loại vải vóc, dầu hỏa, đá lửa... cùng các đồ dùng sinh hoạt khác đem ngược về Hà Giang. Khi Vương Chính Đức già yếu và bị Pháp bắt, Vương Chí Sình đứng ra chèo lái nhà họ Vương và tiếp tục được tôn như một vua Mèo đệ nhị. Hùng bá một thời, sau này Vương Chí Sình được Bác Hồ cảm hóa và đi theo cách mạng, trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi bị Nhật đảo chính, quân Pháp từ Hà Nội chạy lên vùng Quản Bạ, Đồng Văn, cùng hợp tác với người Mông chống Nhật. Khi Nhật đến Đồng Văn, Pháp bỏ mặc người Mông chạy sang Trung Quốc dựa bóng quân Tưởng. Trong tình thế khó khăn, lực lượng vũ trang người Mông dưới sự chỉ huy trực tiếp của Vương Chí Sình đã tiêu diệt một đại đội bộ binh Nhật cùng một trung đội kỵ binh đi kèm. Đây là trận thắng Nhật lớn nhất trên toàn chiến trường Đông Dương thời bấy giờ.
Cổng chính vào Nhà Vương. |
Sau chiến tích ấy, nhận thấy rõ vai trò của cha con “Vua Mèo”, Bác Hồ đã cử cán bộ lên gặp cha con Vương Chính Đức để bàn về việc cùng nhau chống Nhật, chống Tưởng. Cách mạng Tháng Tám thành công, đích thân Bác Hồ đã mời Vương Chí Sình tham gia khóa Quốc hội đầu tiên. Từ cao nguyên đá Đồng Văn, Vương Chí Sình lặn lội, khi thì đi ngựa, lúc khiêng võng xuống Hà Nội. Cũng trong lần gặp gỡ ấy, Bác đã đổi tên cho “Vua Mèo” Vương Chí Sình thành Vương Chí Thành và kết nghĩa anh em.
Trước đây, Sà Phìn là vùng núi cao hiểm trở, nhưng lại là mắt xích quan trọng trong việc trung chuyển “cơm đen” từ Miến Điện với các vùng Vân Nam (Trung Quốc). Ngay bản thân cha đẻ của Vương Chí Sình là người nghiện thuốc phiện nặng nên kiến trúc của dinh thự Nhà Vương luôn có dáng dấp của cây hoa anh túc. Ngay chân cột đá (được lấy từ Vân Nam – Trung Quốc) cũng mang hình bông hoa anh túc. Cha con họ Vương đã phải dùng 800 đồng bạc trắng hoa xòe để mài cho nhẵn một chân cột như vậy. Có vẻ hoang phí, xa xỉ như vậy nhưng từ một ông trùm “cơm đen” ở vùng núi cao ấy, ông Vương Chí Sình đã được Bác Hồ cảm hóa và giác ngộ nên “Vua Mèo” đã một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ. Mặc dù quân Pháp, quân Tưởng dùng mọi thủ đoạn chia rẽ, kích động và lôi kéo “Vua Mèo” nhưng Vương Chí Sình vẫn không nao núng. Đó cũng là khí phách yêng hùng của một “ông vua không ngai” nhưng lại rất uy tín trong lòng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước khi đi theo cách mạng và kể cả sau này, “Vua Mèo” đã ngấm ngầm sắm sửa vũ khí và có cả quân đội bí mật là những trưởng họ người Mông trung thành trong vùng để đối phó với quân Pháp, quân Tưởng. Theo cách mạng, Vương Chí Sình đã lãnh đạo bà con dân bản hăng say lao động sản xuất, phá đá mở đường, tăng cường phát triển chăn nuôi đàn đại gia súc để đồng bào bớt nghèo.
Một góc khu dinh thự Nhà Vương. |
Năm 1956, Vương Chí Thành với lý do tuổi cao, sức yếu, đã đề nghị được bàn giao toàn bộ vùng Đồng Văn và khu vực biên giới lân cận lại cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đảm nhiệm cương vị đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Giang. Ghi nhận những đóng góp to lớn của vua Mèo đệ nhị, Bác Hồ đã tặng ông Vương Chí Thành một thanh gươm có khắc dòng chữ “Tận trung báo quốc/Bất thụ nô lệ”. Thanh gươm vừa là một kỷ vật, vừa là một sự ghi nhận công lao đóng góp của ông Vương, của người Mông với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Năm 1960, tại kỳ họp Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, khóa II, ông Vương Chí Thành một lần nữa được tín nhiệm, trở thành đại biểu của tỉnh Hà Giang. Ông sống và làm việc tại Hà Nội đến năm 1962 thì mất. Phần mộ hiện nay được an táng ngay trước cửa nhà Vương. Trên mộ ông được khắc đầy đủ tên tuổi, chức vụ và dòng chữ “Tận trung báo quốc/Bất thụ nô lệ” mà Bác Hồ tặng khi ông còn sống.
Ghi nhận những đóng góp của “Vua Mèo” Vương Chí Sình, năm 2006, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã truy tặng ông Huân chương Đại đoàn kết dân tộc vì “Đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Năm 2006, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã truy tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho ông Vương Chí Sình. |
Bài và ảnh: V.Tôn