Ghi nhận từ các địa phương cho thấy đại đa số người dân đã chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như: Ở trong nhà, làm việc, học tập online, chỉ đi ra ngoài đường trong trường hợp thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc giữa người với người, tuyệt đối không tập trung đông người…
Chị Nguyễn Thu Thảo - một người dân ở đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Thực hiện giãn cách xã hội, chị không đến công ty mà ở nhà làm việc online. Chị chỉ ra khỏi nhà để đến siêu thị gần nhất mua một số thực phẩm cần thiết cho gia đình. Việc đi mua sắm tại siêu thị trong mấy ngày gần đây mất nhiều thời gian hơn vì phải xếp hàng chờ đợi để đảm bảo không tập trung nhiều người vào mua hàng tại cùng một thời điểm. Cho dù có chút “lích kích” như phải xếp hàng hay nói rõ lý do ra khỏi nhà với lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát nhưng theo chị đây là việc làm rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho mỗi người khi dịch COVID-19 đang lây lan mạnh như lúc này.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đa số người dân đều đã tự giác chấp hành các quy định về giãn cách xã hội với mong muốn dịch COVID-19 nhanh chóng bị đẩy lùi, cuộc sống sớm trở lại nhịp bình thường.
Thế nhưng, trong những ngày gần đây, tại các địa phương vẫn còn một số trường hợp dường như "không hề biết đến” các quy định về thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch và đã có những hành động thể hiện sự “phớt lờ”, bất chấp sự nhắc nhở, khuyến cáo của các lực lượng chức năng. Chẳng hạn, tại thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã có trường hợp nam thanh niên bị xử phạt hành chính vì không mang khẩu trang, thản nhiên tập thể dục ở công viên vào thời điểm cả thành phố đang thực hiện giãn cách, cơ quan chức năng yêu cầu người dân chỉ đi ra khỏi nhà khi có việc thật cần thiết.
Cũng tại TP Hồ Chí Minh, tính từ 0 giờ ngày 9/7 (thời điểm toàn Thành phố bắt đầu thực hiện đợt giãn cách xã hội trong 15 ngày theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đến 17 giờ ngày 12/7, lực lượng chức năng tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã phải lập biên bản xử phạt hành chính đối với trên 12.400 trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch, tổng số tiền phạt là hơn 3,3 tỷ đồng.
Còn tại tỉnh Bình Dương, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản xử phạt đối với một số trường hợp ngồi tụ tập uống nước trên vỉa hè hay tình trạng mua bán hàng hóa không giữ đúng khoảng cách an toàn ở thành phố Dĩ An. Tại tỉnh Bình Phước, UBND huyện Phú Riềng đã phải quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ một quán nhậu và 53 người tập trung tổ chức ăn uống mừng sinh nhật, vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Nhiều chuyên gia đã khẳng định, hiện nay, với nhiều địa phương, việc thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là việc làm rất cần thiết, cấp bách và đúng hướng khi dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp. Mỗi người tự giác thực hiện giãn cách, tạm thay đổi thói quen gặp mặt, tiếp xúc trực tiếp hàng ngày, gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly khu phố, thôn xóm cách ly với thôn xóm, người dân chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm COVID -19 trong cộng đồng. Trong những ngày giãn cách, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm soát, khoanh vùng, truy vết nhằm “chặt đứt” các chuỗi lây nhiễm, chặn đà lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh các giải pháp cấp bách, chúng ta cũng đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược vaccine với mục tiêu sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, chăm lo dài hạn cho sức khỏe nhân dân.
Do đó, thời điểm này chỉ cần có một cá nhân không tuân thủ, không thực hiện nghiêm các quy định giãn cách với những lý do ích kỷ, mang tính cá nhân và cũng không hề cấp bách như ”không quen luyện tập thể dục trong nhà” hay “muốn ra đường phố, công viên trong chốc lát để thay đổi không khí “… sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, gây thêm rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng đang căng mình, nỗ lực hết sức để có thể từng bước đưa cuộc sống của nhân dân trở lại trạng thái bình thường.
Hơn lúc nào hết, ý thức tự giác tuân thủ nghiêm túc và cả sự linh hoạt, chấp nhận những khó khăn tạm thời, thích ứng với hoàn cảnh, điều kiện trong những ngày giãn cách chính là liều “vaccine” không thể thiếu để mỗi người tự bảo vệ bản thân và thể hiện sự đồng lòng, góp phần đẩy lùi dịch COVID-19.