Tối 30/1 (tức 30 Tết), không khí chào đón thời khắc chuyển giao năm mới Giáp Ngọ 2014 tưng bừng trên khắp mọi miền đất nước. * Tại Thủ đô Hà Nội, nhân dịp Xuân Giáp Ngọ 2014 và kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2014), tối 30/1, tại Hoàng thành Thăng Long, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề "Đẹp mãi Thăng Long".
Một tiết mục trong đêm diễn. Ảnh: Minh Đức - TTXVN |
* Thừa Thiên - Huế tổ chức đêm giao thừa mừng Đảng, mừng Xuân, đón chào năm mới Giáp Ngọ 2014 tại Quảng trường Ngọ Môn, bên dòng sông Hương - Huế, thu hút hàng vạn người từ khắp các địa phương trong tỉnh về dự.
Màn "Nhã nhạc Huế" và múa hát về chủ đề "Mừng Đảng, mừng Xuân" mở đầu cho chương trình nghệ thuật kéo dài từ 20h45 cho đến thời khắc giao thừa đón năm mới, mang đến không khí hết sức rộn ràng, náo nức của mùa xuân.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Cao cho biết: Đến thời điểm này, các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, các hộ nghèo ở vùng khó khăn, miền núi đã có tết đầm ấm, vui tươi. Tỉnh và các địa phương trên địa bàn tổ chức thăm và trao 34.314 suất quà của Chủ tịch nước (mỗi suất quà trị giá từ 200.000 - 400.000 đồng) cho gia đình chính sách có công trên địa bàn tỉnh. Dịp này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trích ngân sách hơn 10 tỷ đồng trợ giúp các đối tượng chính sách xã hội. Trước tết, tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương phát 1.000 tấn gạo của Chính phủ hỗ người dân trong vùng bị ảnh hưởng bão lụt với tinh thần không để ai thiếu đói trong dịp tết.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn. Đặc biệt, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2; xây dựng tỉnh nhà thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị..., tạo được tinh thần phấn khởi, vui tươi đối với các tầng lớp nhân dân, trong thời khắc đón chào năm mới.
Chương trình đón giao thừa ở Thừa Thiên - Huế kết thúc bằng màn bắn pháo hoa tại hai địa điểm: Trung tâm thành phố Huế và thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang).
* Ngày cuối cùng của năm cũ ở Đắk Lắk, trời rét hơn các năm trước nhưng vẫn không ngăn được dòng người, nhất là các chàng trai, cô gái da nâu, mắt sáng đổ về các các điểm sinh hoạt văn hoá, Quảng trường huyện Krông Pắk, thành phố Buôn Ma Thuột xem văn nghệ, bắn pháo hoa đón mừng năm mới Giáp Ngọ 2014.
Anh Y Hoáng Niê đưa cả gia đình từ thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) lên thành phố Buôn Ma Thuột từ chiều để sắm đồ Tết và ở lại xem bắn pháo hoa ở Quảng trường thành phố, cho biết, năm nay gia đình thu hạch cà phê, tiêu được trên 10 tấn. Do giá cà phê xuống thấp nên chưa bán còn trữ trong kho, gia đình chỉ mới bán hồ tiêu mà đã thu được trên 300 triệu đồng vừa có tiền mua sắm Tết vừa có vốn tái đầu tư cho cà phê, hồ tiêu niên vụ mới.
Cả tuần nay, thành phố buôn Ma Thuột cũng như các trung tâm phố huyện sôi động, tấp nập, nhộp nhịp người mua kẻ bán. Chợ hoa Tết không chỉ ở Buôn Ma Thuột mà các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đều có, với nhiều chủng loại hoa từ cúc đại đoá, lan của Đà Lạt (Lâm Đồng), mai vàng Bình Định, Phú Yên đến quất của các tỉnh miền Tây Nam bộ, đào miền Bắc…Hoa, cây cảnh từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước mang về đây khoe sắc, góp phần tạo nên Xuân cho mọi nhà.
Dịp này, tỉnh Đắk Lắk dành ngân sách trên 42 tỷ đồng thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ đồng bào các dân tộc nghèo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị từ tỉnh đến huyện cũng phân công cán bộ về thăm hỏi, tặng quà các thôn, buôn kết nghĩa.
Ông Hoàng Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm 2014 là năm quan trọng cho việc hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011- 2015, tạo thuận lợi cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 - 2020 nên tỉnh Đắk Lắk tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2013.
* Tại Khánh Hòa, mới chập tối, các con đường chính ở thành phố Nha Trang, như: Trần Phú, Lê Thánh Tôn, Thái Nguyên, Yersin... đã đông kín người đi du xuân. Thành phố biển Nha Trang rực sáng, lung linh bởi hàng nghìn bóng đèn điện trang trí. Cùng với biểu tượng chim én, hoa mai, ngôi sao, dải sóng nhấp nhô đầy sắc màu... làm cho thành phố biển Nha Trang trở nên lộng lẫy hơn.
Tại Quảng trường 2/4 ở trung tâm thành phố Nha Trang diễn ra chương trình văn nghệ "Mừng Xuân Giáp Ngọ - 2014" với nhiều bài hát, điệu múa ca ngợi sức sống quê hương đất nước, những khúc ca xuân rộn ràng, như: Yêu đời biển cả, Hát từ biển khơi, Lời Tổ quốc, Em ơi mùa xuân đến rồi đó, Liên khúc xuân quê hương tôi… Khu danh thắng Hòn Chồng ở phía bắc thành phố Nha Trang thu hút khách bằng nhiều hoạt động phong phú, như: Trình tấu một số loại nhạc cụ dân tộc, trưng bày các sản phẩm được làm từ gốm, đá quý, trầm hương...
Khu di tích Tháp Bà Ponagar mở cửa tự do cho người dân và du khách vào xem các hoạt động: Múa lân, biểu diễn ca múa nhạc cổ truyền của dân tộc Chăm, trình diễn kỹ thuật làm gốm Bàu Trúc, kỹ thuật dệt thổ cẩm của người Chăm, nghệ thuật thư pháp và tặng chữ đầu năm. Trong đêm giao thừa, ở các địa phương khác trong tỉnh cũng đồng thời diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật thu hút đông đảo người dân tham gia.
Khi thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, người dân và du khách tập trung về Quảng trường 2/4 và danh thắng Hòn Chồng xem bắn pháo hoa. Đây cũng là hai địa điểm bắn pháo trong đêm giao thừa ở Khánh Hòa với thời lượng 15 phút. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, bắn pháo hoa trong đêm giao thừa đã thực sự mang không khí Tết vui tươi cho người dân và du khách khi đến với Khánh Hòa.