Củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân
Trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống tham nhũng, song công tác phòng, chống tham nhũng luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong phòng, chống tham nhũng ngày càng được khẳng định và phát huy. Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực. Hợp tác quốc tế được tăng cường; hoạt động phòng, chống tham nhũng từng bước được mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng; chú trọng sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định của pháp luật nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hoạt động của bộ máy nhà nước.
Chính phủ đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, chú trọng thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, kiểm soát tài sản, thu nhập, thi hành án.
Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và nhân dân tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên; tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng.
Tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”
Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước, sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; gắn phòng, chống tham nhũng với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2021: Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.
Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục…; phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng vẫn còn.
Thảo luận trực tuyến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (tỉnh Bến Tre) đồng tình và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, số cuộc thanh tra hành chính giảm 32%, thanh tra chuyên ngành giảm 39%, số tập thể bị kiến nghị, xem xét xử lý hành chính giảm 30% nhưng mức độ vi phạm tăng 6% về số tiền, 49% về diện tích đất, 4% số cá nhân chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý. Thanh tra Chính phủ tổ chức 42 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm 20 cuộc, số vụ việc chuyển cơ quan điểu tra tăng 20,1% so với năm 2020. Năm 2021, số cuộc thanh tra đối với doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước giảm 74% số đơn vị, nhưng số vụ việc phát hiện tham nhũng tăng cao. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ nêu, báo cáo chưa phân tích rõ các yếu tố, nguyên nhân cụ thể những sự việc nêu trên.
Bên cạnh đó, các cơ quan quan hành chính tiếp nhận 359.000 đơn các loại, trong đó có 275.000 đơn đủ điều kiện xử lý. Thanh tra Chính phủ đã xem xét, giải quyết 17.272 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, nhưng chưa làm rõ số lượng đơn thuộc lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Đại biểu cho rằng cần làm rõ nguyên nhân của tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án chỉ đạt 5% so với tổng số tiền phải thi hành, trong khi năm 2020 đạt 43%.
Liên quan đến việc năm 2021, kiểm tra 13 đơn vị là doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước đã phát hiện 13 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy băn khoăn: “Đây là do chọn đúng đối tượng thanh tra, kiểm tra; đổi mới phương pháp hay do tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước có xu hướng gia tăng”.
Bên cạnh đó, nhiều tồn tại lặp lại, kéo dài nhiều năm chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chuyển biến rõ rệt như tình trạng lót tay, lợi ích nhóm, năng lực cán bộ thanh tra. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy kiến nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan về công tác phòng, chống tham nhũng, có giải pháp hạn chế tối đa tồn tại hạn chế đã được chỉ ra; tăng cường đổi mới phương thức, hình thức, đối tượng tuyên truyền để kịp thời ngăn chặn hành vi tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước.
“Đặc biệt, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, xử lý kiên quyết các hành vi tham nhũng liên quan đến hỗ trợ an sinh xã hội, phòng, chống dịch COVID-19”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nói.
Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, đại biểu Trần Văn Tuấn (tỉnh Bắc Giang) cho rằng: “Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo với quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước”.
Bày tỏ quan tâm đến nguyên nhân "cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh, chưa được cải thiện", đại biểu Trần Văn Tuấn giải thích, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, quyền lực Nhà nước nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến sự tha hóa, lạm quyền, lộng quyền; là nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của tham nhũng, quan liêu.
Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị, trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, trước hết cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. “Ngay trong Luật còn có một số bất cập trong quy định về trách nhiệm, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là giải quyết khiếu nại... Về cơ bản, các khiếu nại hành chính lại do các cơ quan hành chính giải quyết, không tránh khỏi sự thiếu khách quan, thiếu nghiêm túc, đùn đẩy, chậm trễ trong giải quyết, dẫn tới tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, thậm chí thành điểm nóng gây bức xúc trong xã hội”, đại biểu Trần Văn Tuấn nêu.