Theo bà Lâm Thị Hoàng Oanh, Trưởng ban Quản lý Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt, Lễ giỗ Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa của người dân Nam Bộ, tưởng nhớ các vị tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, nhân dân đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng, gìn giữ đất nước. Lễ giỗ được tổ chức thường niên nhằm ghi nhớ công đức, công ơn của Tả quân Lê Văn Duyệt, người đã có công lớn trong việc xây dựng, phát triển, ổn định và bảo vệ vùng đất phương Nam. Hoạt động này còn mang ý nghĩa giáo dục các thế hệ trẻ về cội nguồn dân tộc, những đóng góp của các bậc tiền nhân đã có công xây dựng quê hương, đất nước; cố gắng học tập, nâng cao tri thức, hướng đến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Lễ giỗ Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt được thực hiện theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn gồm: Nhạc lễ, lễ sanh, đào thái và ban tế. Lễ phẩm cúng giỗ là trà, rượu, trầu cau, bánh Gia Định xưa, cùng các vật phẩm trái cây Nam Bộ. Các loại hoa quả được kết thành hình long mã phụng cùng các món ăn đặc trưng, các loại bánh miền Tây. Trong Lễ giỗ còn có các nghi thức như lễ Xây chầu - Đại bội, tế Tiền hiền, Hậu hiền; lễ Tôn vương, Hồi chầu; lễ tưởng nhớ Anh hùng Liệt sỹ; cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình.
Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832), nguyên quán Quảng Ngãi, sinh quán tại huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), là bậc đại khai quốc công thần triều Nguyễn, phục vụ hai đời vua Gia Long và Minh Mạng. Tả quân Lê Văn Duyệt là vị quan thanh liêm, đức độ, chính trực, luôn thương yêu, quan tâm chăm lo cho đời sống nhân dân. Ông còn là người có công lớn trong cuộc cải cách khai mở, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân và bài trừ tham nhũng.
Khi làm Tổng trấn Gia Định (các giai đoạn 1812 - 1815 và 1820 - 1832), Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt là người sống thanh liêm, khéo dùng người tài đức. Ông chăm lo việc đào kênh, đắp lũy, xây thành, vừa phát triển kinh tế, mở rộng giao thương, củng cố nền hành chính, vừa tăng cường ngoại giao, củng cố biên cương, gia cố thế phòng thủ cả Trấn Thành và miền Gia Định. Qua hai lần làm Tổng trấn, ông được thăng chức Khâm sai Chưởng tả quân Doanh Bình Sơn tướng quân, tước Quận công.
Sau khi ông mất, người dân trong vùng đã lập lăng, miếu thờ tại khu vực Lăng Ông Bà Chiểu (nay gọi là Lăng Lê Văn Duyệt). Từ năm 1841, Lăng Lê Văn Duyệt là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân; được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1988 theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.