Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trả lời phỏng vấn tạp chí "Chính trị Thế giới" ngày 21/10, chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết "không có bằng chứng nào cho thấy Việt Nam có các hoạt động xây dựng đảo tại Biển Đông - tức là việc tạo ra các vùng đất trên mặt nước từ các đặc tính nửa nổi nửa chìm nhằm thay đổi tình trạng pháp lý của đặc tính đó".
Chuyên gia này cho rằng đây là việc mà Trung Quốc đã và đang làm với ít nhất 3 trong số các các đặc tính mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, và đó chính là điều khiến Mỹ và các nước khác có tuyên bố chủ quyền tại khu vực quan ngại nhất. Ông Poling nhận định hoạt động cải tạo của Việt Nam tại Biển Đông khác hoàn toàn về quy mô cũng như hiệu ứng pháp lý so với các hoạt động của Trung Quốc.
Đánh giá về các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, ông Poling cho biết Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông. Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ bờ biển, và thềm lục địa mở rộng ở hai phần của Biển Đông theo đúng quy định của UNCLOS. Tuyên bố chủ quyền thềm lục địa mở rộng của Việt Nam đưa ra năm 2009 cho thấy rằng ngoài việc tuyên bố chủ quyền với vùng lãnh thổ 12 hải lý xung quanh các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam không tuyên bố chủ quyền với các vùng nước ngoài 12 hải lý hoặc đáy biển xung quanh các đảo đó.