Hội thảo lấy ý kiến cho dự án “Khảo sát thực trạng công tác tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo của báo chí trong hệ thống chính trị thời kỳ đổi mới - những kiến nghị, giải pháp” đã được Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức ngày 22/9, tại Hà Nội, với sự tham dự của nhiều cơ quan báo chí Trung ương, Hà Nội và các nhà khoa học chuyên ngành.
Theo các đại biểu, những năm gần đây, báo chí trong nước đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo nhằm khẳng định đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, định hướng dư luận xã hội, góp phần vào việc ổn định chính trị, xã hội, phát triển đất nước. Báo chí đã làm nổi bật các nội dung cụ thể của công tác tôn giáo theo tinh thần Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân; động viên đồng bào có đạo tích cực đóng góp xây dựng quê hương, đất nước; đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực xấu lợi dụng tự do, tín ngưỡng tôn giáo để chống phá công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta; đấu tranh chống lại các hoạt động của tà đạo và mê tín dị đoan.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng nhìn nhận tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo là một việc khó và nhạy cảm, nhiều phóng viên hiểu biết chưa sâu, ngại đụng chạm. Công tác tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo của báo chí cũng có lúc chưa được cơ quan chủ quản quan tâm thỏa đáng, chưa có định hướng cụ thể, tính năng động chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu trong đời sống tôn giáo hiện nay.
Từ những nhận định trên, các đại biểu cho rằng cần phải tuyên truyền thường xuyên, liên tục, có trọng điểm. Cơ quan quản lý phải có định hướng để tuyên truyền đúng, trúng, hiệu quả. Bên cạnh đó, nên tổ chức tập huấn cho phóng viên, tổ chức giải báo chí chuyên về lĩnh vực tôn giáo; đưa vào giảng dạy về tôn giáo học, quan điểm chính sách của Việt Nam về tôn giáo trong các trường đào tạo báo chí.
Chu Thanh Vân