Theo báo cáo của Bộ Lao động và Thương binh xã hội, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tại cả 3 cấp cơ sở, huyện, tỉnh mặc dù có tăng hơn nhiệm kỳ trước, nhưng không đạt tỷ lệ 25% đề ra.
Còn sau 2 khóa Quốc hội (XII và XIII) có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội liên tục giảm, nhiệm kỳ này (2016 - 2021) đã bắt đầu có sự tăng trở lại. Tuy nhiên, theo quy định phải có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ, nhưng trong đợt bầu cử vừa qua, có tới 23 địa phương chưa bố trí đủ số nữ ứng cử viên trong danh sách bầu cử đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật và 3 tỉnh Quảng Nam, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế (riêng Tây Ninh, Thừa Thiên Huế cả 02 nhiệm kỳ XIII và XIV) không có nữ đại biểu Quốc hội.
Cùng với đó, tính đến hết tháng 8/2017, có 12/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt và 16/63 địa phương có nữ lãnh đạo chủ chốt, chiếm tỷ lệ 25,39%. Như vậy so với yêu cầu đạt tỷ lệ 95% vào năm 2020 còn khoảng cách lớn và khó có khả năng thực hiện chỉ tiêu này tại cấp địa phương.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Trương Minh Hoàng. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Theo đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), việc chỉ có 12/30 Bộ ngành Trung ương có nữ cán bộ giữ chức vụ chủ chốt, ngay trong thành viên Chính phủ mới cũng chỉ có 1 cán bộ nữ, điều này đặt ra câu hỏi về việc quan tâm, chuẩn bị nguồn nhân lực như thế nào?
Đại biểu Trương Minh Hoàng kiến nghị, trong quy hoạch cần tạo cơ hội đề bạt xem xét đối với nữ, quy hoạch không nên tính độ tuổi để phụ nữ có cơ hội giữ những chức vụ cán bộ chủ chốt.
Cùng quan điểm, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng, cần tăng cường củng cố vai trò của phụ nữ ở các vị trí quản lý lãnh đạo nhằm từng bước giảm khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị.