Xác lập hệ thống thông tin quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia Báo cáo kết quả giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn của dự án Luật An ninh mạng do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày chỉ rõ, nhiều ý kiến nhất trí phải xác lập hệ thống thông tin quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đồng thời, đề nghị quy định rõ tiêu chí, các loại hệ thống thông tin.
Có ý kiến đề nghị bổ sung hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa; đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật An toàn thông tin mạng. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc xác định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trong khi đã có hệ thống thông tin quan trọng quốc gia theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hệ thống thông tin của các mục tiêu, công trình có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia, nên phải áp dụng các biện pháp bảo vệ an ninh mạng để phòng, chống hoạt động tấn công, phá hoại hệ thống và phòng, chống hoạt động sử dụng hệ thống này xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nếu chỉ áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng theo Luật An toàn thông tin mạng sẽ không đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Về quản lý an ninh mạng đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam (khoản 4 Điều 34), một số ý kiến không nhất trí với quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam và đề nghị nghiên cứu phương pháp quản lý khác cho phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự và phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi sử dụng mạng viễn thông, internet xuyên quốc gia vào Việt Nam vi phạm pháp luật, nhất là tuyên truyền chống Nhà nước, kích động chống đối, phá hoại an ninh, gây rối trật tự công cộng..., việc bắt buộc một số doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, internet phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam là cần thiết.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đã lược bỏ quy định “đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam” và chỉnh lý khoản 4 Điều 34 như khoản 4 Điều 27 dự thảo Luật. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam khi có từ 10 nghìn người Việt Nam sử dụng trở lên hoặc khi có yêu cầu của Chính phủ Việt Nam; thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân; cung cấp dữ liệu người sử dụng Việt Nam và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là nội dung khó, nhạy cảm, cần nghiên cứu, tiếp thu, lấy ý kiến để quy định mang tính khả thi cao và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, phải bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp, sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tiếp tục rà soát để tránh sự chồng chéo, trùng lặp giữa Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng. Ngoài ra, tránh việc hạn chế quyền con người, quyền tiếp cận thông tin đã được quy định trong Hiến pháp cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cần thiết quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” Cũng trong chiều 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).
Theo Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến về dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), đối với quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ quy định về“tình trạng khẩn cấp”.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng, quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” nhằm thể chế Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; cụ thể hóa khoản 13 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 “quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia”; kế thừa Điều 31 Luật Quốc phòng hiện hành, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với Điều 21, Điều 48 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2014, Điều 44 Luật Dân quân tự vệ năm 2009 và khoản 1 Điều 5 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008.
Mặt khác, Điều 1 Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000 chỉ điều chỉnh tình trạng khẩn cấp về thảm họa, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, chưa quy định tình trạng khẩn cấp khi đất nước có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành động xâm lược hoặc bạo loạn có vũ trang, nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh.
Thực tế trong những năm qua, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, lực lượng vũ trang nhân dân đã xây dựng hệ thống văn kiện, kế hoạch và tổ chức huấn luyện, diễn tập về “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng”. Vì vậy, việc quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” tại dự thảo Luật là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quốc phòng, bảo đảm quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi cuộc chiến tranh xâm lược.
Về Hội đồng quốc phòng và an ninh (Điều 36 dự thảo Luật Chính phủ trình), nhiều ý kiến nhất trí quy định Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Hội đồng quốc phòng và an ninh. Một số ý kiến đề nghị cơ quan thường trực là Văn phòng Chủ tịch nước hoặc cả Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Bộ Quốc phòng có chức năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước về đường lối, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự; giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về quốc phòng; tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, theo Quyết định số 1188-QĐ/CTN ngày 3/6/2014 của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước không có chức năng tham mưu các vấn đề về lĩnh vực quốc phòng, quân sự, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, quy định Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực giúp việc của Hội đồng quốc phòng và an ninh như dự thảo Luật Chính phủ trình là phù hợp. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Hội đồng quốc phòng và an ninh, cấp có thẩm quyền về nội dung này.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chỉ rõ, Hội đồng quốc phòng và an ninh là cơ quan hiến định; do đó các vấn đề liên quan phải bám sát quy định của Hiến pháp. Việc xác định cơ quan thường trực Hội đồng quốc phòng và an ninh cần phải nghiên cứu, xin ý kiến Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phối hợp với ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo luật, gửi xin ý kiến đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5.