Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN |
Pháp lệnh Quản lý thị trường gồm 8 chương với 45 điều, quy định, vị trí, chức năng, tổ chức; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng quản lý thị trường; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng quản lý thị trường.
Các ý kiến tại buổi thảo luận góp ý, cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn mô hình tổ chức của lực lượng quản lý thị trường với nguyên tắc tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Việc cân nhắc mô hình tổ chức bộ máy của quản lý thị trường cần bảo đảm sự phối hợp, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý thị trường hàng hóa.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu kinh nghiệm các nước và thực tiễn quản lý thị trường ở nước ta, rà soát các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, dân sự, hình sự để có chế tài ở mức cao hơn. Dự thảo cũng cần cụ thể hóa “các biện pháp ngăn chặn”; bổ sung chế tài xử lý tức thời như tịch thu, tiêu hủy đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe người dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần quy định rõ về phạm vi và hình thức kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường để đáp ứng yêu cầu đổi mới của thực tiễn; cần quy định rõ căn cứ ban hành quyết định kiểm tra, thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra, thời hạn thực hiện quyết định kiểm tra, thời hạn kiểm tra, việc tiếp tục tổ chức thẩm tra, xác minh để xem xét, kết luận vụ việc để bảo đảm quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân được kiểm tra. Một số ý kiến đề nghị quy định đầy đủ trách nhiệm của người ra quyết định kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra, bảo mật thông tin của hoạt động kiểm tra, thanh tra.
Quan điểm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tại thời điểm này, việc ban hành Luật Quản lý thị trường hoặc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh sẽ xung đột với các luật, pháp lệnh như Luật Thanh tra, Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế, Luật Công an nhân dân, Pháp lệnh Bộ đội biên phòng, Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam...
Do vậy, mở rộng phạm vi điều chỉnh cần nhiều thời gian nghiên cứu một cách toàn diện tác động tới các luật khác và các cam kết của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thời điểm hiện nay, việc ban hành Pháp lệnh Quản lý thị trường nhằm khắc phục một bước những hạn chế, bất cập, tạo sự chuyển biến kịp thời trong tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý thị trường; đồng thời kiểm nghiệm các quy định mới trong thực tiễn, trên cơ sở đó tổng kết, tiếp tục nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý thị trường trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các quy định trong Pháp lệnh đụng chạm đến quyền tự do sản xuất kinh doanh của công dân được hiến định. Do đó, cơ quan liên quan cần tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Trong phần phát biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, quản lý thị trường phải được tăng cường xây dựng trước yêu cầu của đất nước và tình hình thị trường vô cùng phức tạp hiện nay. Lực lượng này phải đảm nhiệm tốt chức năng chống gian lận, hàng độc hại,... đem lại an toàn cho dân. Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực hiện từng bước, tiến tới tổng kết nâng lên thành Luật Quản lý thị trường.