Ngày18/3, phiên họp thứ 16 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến vào các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật Tiếp công dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Đề án tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội; công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến dành một ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: An Đăng – TTXVN |
Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.
Theo Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT chỉ được đặt ra trên cơ sở xác định những vấn đề bức thiết, đòi hỏi sửa đổi kịp thời để tháo gỡ vướng mắc, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Với quy trình xem xét, thông qua tại 2 kỳ họp, dự án luật cần có quy mô sửa đổi toàn diện, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, cốt lõi nhằm tạo bước chuyển lớn trong sửa đổi chính sách. Dự thảo luật cho thấy một số nội dung đề ra trong Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020 chưa được thể chế hóa, có thể phải tiếp tục sửa đổi luật trong những năm tới, dẫn đến chưa đảm bảo sức sống lâu dài của luật.
Các ý kiến cho rằng dự thảo luật chỉ sửa đổi 7/16 điều song có tới 6 nội dung giao Chính phủ quy định; trong đó có cả nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước… dẫn đến gia tăng các điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết so với luật hiện hành. Để bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của luật, Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát, cụ thể hóa các nội dung giao Chính phủ quy định, nhằm khắc phục tình trạng luật khung, luật chờ nghị định, thông tư, chậm đi vào cuộc sống. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị tiếp tục nghiên cứu một số nội dung liên quan đến mức thuế suất, tiêu chí phân định hàng hóa, dịch vụ để áp mức thuế suất… cho phù hợp.
Đa số các ý kiến trong Thường vụ Quốc hội tán thành với việc giữ nguyên 3 mức thuế suất 0%, 5%, 10%, chưa áp dụng thống nhất một mức thuế suất, song Chính phủ cần rà soát, thu hẹp diện hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5% nhằm từng bước hướng tới mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020. Các ý kiến cũng đề nghị dù thông qua tại một hay hai kỳ họp thì luật cũng cần có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 để phù hợp với các luật khác và năm tài khóa.
Tại phiên họp, Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối với việc đồng ý giao Ngân hàng
Nhà nước hướng dẫn các hoạt động chuyển vốn hợp pháp; nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú phải mở tài khoản đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Vốn đầu tư gián tiếp bằng ngoại tệ phải được chuyển sang đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư thông qua tài khoản này.
Giảm thuế để thu hút đầu tư
Chiều 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với quy định về thuế suất, dự thảo luật giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%. Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%.
Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương giảm thuế suất nhằm bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư và đề nghị nghiên cứu, quy định ngay trong luật về lộ trình giảm thuế suất đến năm 2020, bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách thuế. Cụ thể: Giai đoạn 2014 - 2015 thuế suất 23%, đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ áp dụng thuế suất 20%. Giai đoạn 2016 - 2020 áp dụng thống nhất một mức thuế suất 20%; đối với địa bàn đặc biệt khó khăn, cần được ưu đãi ở mức cao hơn, có thể quy định mức thuế suất 15%.
Về quy định ưu đãi thuế, dự thảo luật bổ sung chính sách ưu đãi thuế đối với tổ chức tài chính vi mô; ưu đãi thuế đối với hoạt động nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, làm muối, sản xuất giống cây trồng và giống vật nuôi; ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng,... Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc mở rộng diện được ưu đãi thuế nhằm bảo đảm phù hợp với chính sách ưu đãi được quy định tại các đạo luật chuyên ngành. Tuy nhiên, để bảo đảm tính đầy đủ, thống nhất, đồng bộ với quy định tại các văn bản pháp luật liên quan, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát chính sách ưu đãi đầu tư đã được ban hành, nghiên cứu, bổ sung chính sách ưu đãi đối với một số địa bàn, ngành nghề, lĩnh vực khác.
Thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo luật đã được bổ sung nhiều nội dung mới; nhiều vấn đề đã được cụ thể hóa hơn so với luật hiện hành. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, đối chiếu với các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong luật hiện hành thì dự thảo luật còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng mục tiêu sửa đổi...
TTN