Đặc biệt, chỉ số Sẵn sàng ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index) của địa phương này trong các năm gần đây được cải thiện liên tục, 4 năm trở lại đây, Tiền Giang luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Năm 2019, tỉnh được xếp hạng 5/63 tỉnh, thành và là địa phương đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về chỉ số ICT Index.
Bài 1: Xây dựng chính quyền điện tử
Đối với việc thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước, bên cạnh những nội dung như hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước là khâu rất quan trọng. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu tạo nên sự minh bạch, nhanh chóng, giảm phiền hà, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương cũng như trong cả nước.
Triển khai hệ thống thông tin dùng chung, một cửa điện tử
Một trong những mục tiêu cơ bản của xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 chính là ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm phục vụ tổ chức, doanh nghiệp, công dân, giúp người dân, doanh nghiệp giảm thời gian khi đến cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính.
Để có được kết quả ấn tượng là địa phương nằm trong tốp 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước, địa phương đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về Chỉ số Sẵn sàng ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index), Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang, Trần Văn Dũng cho biết, trong những năm qua, tỉnh rất quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tiền Giang sớm triển khai và đưa vào sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ, cổng thông tin điện tử tỉnh; hệ thống một cửa điện tử, hệ thống phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức,… Các hệ thống này đều được đầu tư tập trung, đồng bộ và liên thông từ các cơ quan cấp tỉnh đến cấp xã phường, thị trấn.
Đến thời điểm này, tại Tiền Giang, hệ thống quản lý văn bản điều hành có trên 27.000 tài khoản người dùng; 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã triển khai và liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện và đến 172/172 UBND xã, phường, thị trấn; tỷ lệ văn bản đi - đến giữa các cơ quan được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (hoàn toàn không dùng văn bản giấy) đạt trên 80%; 100% các cơ quan nhà nước được trang bị chữ ký số để ký gửi liên thông các văn bản điện tử.
Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang, thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã được triển khai đến tất cả các cơ quan có tham gia giải quyết thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tất cả các thủ tục hành chính của tỉnh được đăng tải trên cổng dịch vụ công http://dichvucong.tiengiang.gov.vn. Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt tỷ lệ trên 52,%; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 45%; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến ở mức độ 3 đạt 25% và mức độ 4 đạt 18,6%. Đồng thời, Tiền Giang cũng tiến hành đồng bộ các dịch vụ công trực tuyến lên cổng Quốc gia và đã triển khai tích hợp thanh toán trực tuyến trên nền tảng thanh toán cổng dịch vụ công Quốc gia đối với các dịch vụ công cấp tỉnh và đang tiến hành tích hợp đối với các dịch vụ công trực tuyến cấp huyện và cấp xã.
Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang, Lê Thị Kim Pha cho biết thêm, tất cả các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp có phiếu hẹn đều được số hóa lên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, giúp việc xử lý, quản lý, thống kê, giám sát tình trạng giải quyết hồ sơ; tra cứu hồ sơ của cán bộ, công chức cũng như tra cứu trạng thái hồ sơ của người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận lợi và minh bạch.
Lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo
Chính quyền điện tử hiểu một cách ngắn gọn chính là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, nhằm cụ thể hóa các hoạt động xây dựng chính quyền điện tử. Đầu năm 2020, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang (đóng tại xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã chính thức đi vào hoạt động với phương châm chuyên nghiệp, tận tâm và đúng pháp luật. Đây được coi là một trong những bước chuyển đáng kể trong thực hiện cải cách hành chính gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin ở tỉnh Tiền Giang.
Bà Lê Thị Kim Pha cho biết với 16 quầy phục vụ, các quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến được giới thiệu rõ ràng, chi tiết. Việc giải quyết thủ tục cho tổ chức, cá nhân được thực hiện theo cơ chế một cửa. Một cửa liên thông được quản lý một cách tập trung thống nhất. Trung tâm đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ nhiều tổ chức, cá nhân. Các công chức, viên chức của đơn vị đều thực hiện tốt nhiệm vụ, lấy sự hài lòng của đại diện các tổ chức hoặc cá nhân đến làm các thủ tục hành chính là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của bản thân viên chức, công chức và của cơ quan có thẩm quyền.
"Có những ngày lượng người đến làm các thủ tục hành chính rất đông, khoảng 500-600 người, song các cán bộ tại từng quầy luôn giữ thái độ nhiệt tình, chu đáo, hướng dẫn kịp thời, tiếp nhận hồ sơ của công dân. Các cán bộ của trung tâm cũng tuyên truyền, hướng dẫn công dân có thể gửi hồ sơ trực tuyến ở một số thủ tục để giảm lượng người đến giao dịch trực tiếp tại trung tâm cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp để ngành Bưu điện mở một bưu cục ngay tại trung tâm. Các tổ chức, cá nhân có thể chọn sử dụng dịch vụ chuyển, phát kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà qua dịch vụ bưu chính" - bà Lê Thị Kim Pha chia sẻ.
Cầm trên tay kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân, bà Dương Thị Dung (ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo) vui vẻ cho biết, khi đến trung tâm làm thủ tục, bà được các cán bộ ở trung tâm tiếp đón ngay từ lúc bước vào, hướng dẫn cách lấy số giao dịch đến quầy giải quyết thủ tục hành chính. Sau khi nộp hồ sơ, chưa đến ngày hẹn bà Dung đã nhận được điện thoại thông báo hồ sơ được giải quyết xong trước hạn và mời đến nhận kết quả.
Ông Lưu Vương Khang - hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp ở xã Bàn Long, huyện Châu Thành cho hay, ông đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang để làm thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản. Đến quầy giao dịch lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được bố trí tại trung tâm, ông được tiếp nhận hồ sơ nhanh chóng, cán bộ nhận hồ sơ thao tác trên máy tính rất nhanh, trả lời thắc mắc của công dân với thái độ lịch sự, nhẹ nhàng.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn khẳng định,Trung tâm đi vào hoạt động đã tập trung các đầu mối của các sở, ngành để việc thực hiện các quy trình thủ tục về hành chính được gọn, nhanh hơn. Người dân không phải đến nhiều cửa, nhiều nơi. Thời gian tới, Tiền Giang sẽ tập trung nâng chất hoạt động của trung tâm, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, chuyển tiếp hiệu quả các thông tin vào hệ thống, qua đó việc giải quyết các thủ tục hành chính được thuận tiện hơn nữa./. (Còn tiếp)
Bài cuối: Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp