Đã có hiện tượng một số cơ quan báo chí xuất bản thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật, thông tin nhạy cảm trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử, gây bức xúc trong dư luận. Nhằm giúp các báo điện tử thận trọng khi xuất bản thông tin, đồng thời hỗ trợ các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã bước đầu triển khai ứng dụng thiết bị theo dõi các báo điện tử gỡ bài, sửa bài.
Để làm rõ thông tin liên quan đến ứng dụng này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã trao đổi với nhà báo Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam.
Giao diện Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: hoinhabaovietnam.vn |
Ông có đánh giá như thế nào về sự phát triển của báo chí nước nhà hiện nay? Những năm qua, nhờ sự tích cực vào cuộc, chỉ đạo sát sao, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam, đời sống báo chí trong cả nước diễn ra rất sôi động. Chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí được phát huy, báo chí đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Bên cạnh đó, với định hướng quy hoạch phát triển báo chí của Đảng, cùng sự ra đời của Luật Báo chí và 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, giới báo chí cả nước đang phấn đấu vươn lên vì một nền báo chí dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.
Tuy nhiên, có một bộ phận nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, có những biểu hiện suy thoái đạo đức nghiêm trọng. Trong đó, không ít nhà báo lợi dụng đặc điểm của báo chí điện tử để trục lợi. Đây là một nguyên nhân dẫn đến nhiều biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí điện tử. Mặt khác, do phải “chạy đua” thông tin để giữ và phát triển lượng độc giả, nhiều cơ quan báo chí đã xuất bản lên mạng thông tin thiếu kiểm chứng. Thông tin sai sự thật và thông tin nhạy cảm xuất hiện nhiều trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử.
Cổng Thông tin điện tử của Hội Nhà báo Việt Nam ra đời sẽ đóng góp như thế nào vào công tác báo chí nước nhà, thưa ông? Cổng Thông tin điện tử của Hội Nhà báo Việt Nam có chức năng tiếp sức cho nhà báo giám sát và phản biện xã hội, góp phần giúp Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện chức trách nhiệm vụ được quy định tại điều 8 Luật Báo chí.
Thời gian qua, Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã lựa chọn vấn đề, sự kiện các báo đã đăng để đăng lại, nhằm mục đích chia sẻ thông tin. Đặc biệt, với những sự kiện nổi bật, Cổng Thông tin điện tử của Hội Nhà báo Việt Nam có thêm phần bình luận để công chúng tiếp cận tác phẩm với góc nhìn đa chiều, hiểu được đầy đủ bản chất sự kiện theo hướng tích cực; cùng thúc đẩy các cơ quan có trách nhiệm giải quyết vấn đề, vụ việc báo chí đã nêu.
Thực tế cũng có những trường hợp lúc cơ quan báo chí đăng bài lên án, sau đó bị tác động tiêu cực, nên tác giả và tòa soạn báo muốn gỡ bài để vụ việc “chìm xuồng”. Cổng Thông tin điện tử của Hội Nhà báo Việt Nam theo dõi phát hiện, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để chống những biểu hiện tiêu cực nêu trên, đồng thời tiếp tục thúc đẩy để giải quyết vụ việc…
Cổng Thông tin điện tử của Hội Nhà báo Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ khác với cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành, hội khác. Đây là phương tiện tích hợp thông tin hành chính điện tử, tạo ra kho tài nguyên thông tin phục vụ các hoạt động của hội, phục vụ hội viên nghiên cứu, tìm hiểu nâng cao năng lực nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời tuyên truyền, khích lệ động viên các hội viên phấn đấu hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, tiếp sức cho nhà báo thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội tốt hơn.
Ban chỉ đạo hoạt động Cổng Thông điện tử Hội Nhà báo Việt Nam gồm các đồng chí lãnh đạo Hội, các ban của Hội và lãnh đạo nhiều cơ quan chức năng như: Vụ Báo chí xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương); Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tham gia. Qua gần 4 tháng từ khi khai trương hoạt động đến nay, Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã được nhiều cơ quan báo chí chấp thuận sử dụng nguồn tin phù hợp với tôn chỉ mục đích, do đó việc chia sẻ thông tin, sử dụng thông tin của Cổng được nhiều nhà báo, hội viên và công chúng quan tâm.
Vậy triển khai giám sát việc sửa, gỡ thông tin trên báo, trang thông tin điện tử sẽ đóng góp như thế nào vào việc quản lý báo chí của các cơ quan chức năng? Trong nhiều cuộc giao ban báo chí, hội nghị về công tác thông tin, tọa đàm, hội thảo về hoạt động báo chí... đại diện nhiều đơn vị như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam… rất bức xúc về một số vấn đề, vụ việc liên quan đến báo chí điện tử. Do đó, Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất đảm nhiệm việc giám sát bằng cách bố trí người theo dõi việc gỡ bài, ghi chép và phản ánh với các cơ quan chức năng để có biện pháp nhắc nhở, xử lý.
Sau đó, việc nghiên cứu, sản xuất ứng dụng phần mềm khả thi, nên Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã đề xuất ý tưởng, chịu trách nhiệm thiết kế, thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng thiết bị phần mềm theo dõi việc gỡ bài, sửa bài trên báo điện tử, trang thông tin điện tử. Thiết bị này có thể kiểm tra, theo dõi việc gỡ bài, sửa bài của các báo và trang thông tin điện tử, cung cấp cụ thể thời gian đăng bài, thời gian sửa, gỡ bài, nội dung bài bị gỡ, sửa.
Việc triển khai thiết bị này góp phần cảnh báo, nhắc nhở các cơ quan báo chí thực hiện chặt chẽ, thận trọng quy trình xuất bản thông tin lên mạng; tránh việc đưa các thông tin sai sự thật, thông tin nhảy cảm gây tác hại cho xã hội và khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của các ngành, các cấp. Thiết bị được ứng dụng cũng nhằm phát hiện chống tiêu cực trong hoạt động báo chí.
Trên thực tế có nhiều cơ quan báo chí điện tử, gỡ bài, sửa bài nhưng không phải do tiêu cực mà do tâm lý, đưa thật nhanh thông tin, sau đó hậu kiểm, có sai sót thì gỡ hoặc sửa. Hơn nữa, qua tìm hiểu hoạt động báo chí điện tử, chúng tôi thấy, nhiều bài gỡ xuống do có tác động và “chạy” bằng phong bì.
Cũng có nhiều trường hợp gỡ do quan hệ tình cảm, công tác, hoặc gỡ, sửa bài do sức ép. Nếu công khai sử dụng thiết bị theo dõi, thì việc nhờ gỡ bài, sửa bài sẽ giảm đi rất nhiều. Dù có thân quen đến mấy, thì cơ quan đăng bài có lý do để từ chối, và bản thân người nhờ gỡ bài cũng cân nhắc, thận trọng hơn…
Thiết bị theo dõi việc các báo điện tử gỡ bài, sửa bài được đưa vào sử dụng từ ngày 1/8. Đến ngày 13/8/2017 thiết bị đã phát hiện việc gỡ 79 tin, bài khỏi 35 báo điện tử, trang thông tin điện tử, trong đó có 6 báo địa phương. Trong 79 tin, bài bị gỡ có 32 bài có nội dung phản ánh các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng.
Cũng từ đầu tháng 8/2017 đến nay, Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã tiến hành theo dõi trên 100 báo điện tử, một số trang thông tin điện tử được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Đến cuối tháng 8/2017, Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiến hành theo dõi hầu hết các báo điện tử và một số trang thông tin điện tử được cấp phép qua thiết bị này.
Cán bộ, nhân viên của Cổng Thông tin điện tử của Hội Nhà báo Việt Nam hàng tuần sẽ cung cấp đầy đủ thông tin kết quả theo dõi cho các cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam vào chiều thứ Hai, để các cơ quan chức năng có cơ sở phê bình rút kinh nghiệm hoặc thống nhất phương pháp xử lý.
Sau khi nghiệm thu sản phẩm thiết bị phần mềm và chính thức đưa vào sử dụng, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có công văn đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên xử lý có hiệu quả việc gỡ bài, sửa bài trên báo điện tử, trang thông tin điện tử.
Xin cảm ơn ông!