Cùng nhận được 28 điểm bầu chọn từ các hãng khác trong Ban Chấp hành, TTXVN với ứng dụng Chatbot của báo điện tử VietnamPlus và Tân Hoa xã với Dự án nền tảng báo chí dựa trên AI Media Brain cùng giành được giải Nhất.
Chủ tịch OANA Aslan Aslanov cho rằng Giải thưởng này giúp cổ vũ các hãng thông tấn dành sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào việc đổi mới sáng tạo các hoạt động nghiệp vụ.
Trong các phiên thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các thách thức đặt ra đối với các hãng thông tấn nói riêng và báo chí nói chung trong kỷ nguyên số.
Trong phần trình bày của mình, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh đã đưa ra các số liệu và minh chứng cụ thể về tin giả (fake news) ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Câu chuyện tin giả không chỉ xuất hiện trên mạng xã hội mà báo chí chính thống cũng trở thành nạn nhân của vấn nạn này.
Báo chí cần phải duy trì các nguyên tắc “kiểm chứng, cân bằng, toàn diện và khách quan”. Đại diện TTXVN cho biết, các cơ quan báo chí ở Việt Nam mong muốn áp dụng các công cụ và hành động trong quá trình tác nghiệp để nâng cao chất lượng thông tin cũng như giúp công chúng có thể nhận diện được tin giả.
Các vấn đề của TTXVN nêu đã nhận được sự chia sẻ và đồng thuận của các hãng thông tấn tham dự Hội nghị lần này.
Nhà báo cao cấp Lee Dong-min của Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cảnh báo việc lan tràn tin giả đã trở thành một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Chính vì vậy Yonhap đã thành lập một nhóm làm nhiệm vụ kiểm chứng thông tin (fact-check) và ngăn chặn những tác động xấu mà tin giả gây ra cho xã hội, cũng như giúp công chúng nhận diện được đâu là thông tin chuẩn và đâu là thông tin “lệch chuẩn”.
Đại diện Yonhap cũng giới thiệu “dịch vụ kiểm chứng” thông tin video mang tên “Kiểm chứng thông tin hàng tuần” (Weekly Fact Check). Tại cuộc thảo luận, các đại biểu nhất trí việc OANA cần xây dựng một quy chuẩn hoặc cơ chế về kiểm chứng thông tin và sớm phổ biến cho các hãng thành viên xem xét ứng dụng trong thời gian tới đây.
Khách mời của Hội nghị là các chuyên gia công nghệ thông tin đến từ Sourcefabric cũng giới thiệu các phần mềm lập kế hoạch, tổ chức và chia sẻ thông tin đa nền tảng dựa trên công nghệ nguồn mở mà tổ chức này đang hợp tác với một số hãng thông tấn châu Âu vận hành.
Cũng tại Hội nghị lần này, các đại biểu cũng thảo luận một số vấn đề về sửa đổi Điều lệ của OANA, chương trình nghị sự của Đại hội đồng OANA lần thứ 17 dự kiến tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc, vào tháng 11 tới.
Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch OANA Aslan Aslanov cho rằng, các nội dung được thảo luận tại Hội nghị lần này rất hữu ích và tin tưởng rằng các giải pháp để kiểm chứng thông tin và nỗ lực lấy lại niềm tin của công chúng của các hãng thông tấn sẽ sớm được triển khai.
OANA được thành lập năm 1961 theo sáng kiến của Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên hợp quốc (UNESCO), với mục tiêu tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các nước trong khu vực. Sau 58 năm, OANA hiện quy tụ 44 hãng thông tấn thành viên thuộc 35 nước trong khu vực, trở thành tổ chức truyền thông lớn nhất tính về tổng thể diện tích địa lý của các nước và khối lượng thông tin được sản xuất. Sự tham gia của các hãng thông tấn lớn đã tạo nên tiếng nói mạnh mẽ của OANA trong gần 6 thập kỷ qua.
Không chỉ khẳng định vị thế của một diễn đàn báo chí uy tín trong khu vực và trên thế giới, OANA còn là diễn đàn nghiệp vụ chất lượng cao giữa các nhà báo hàng đầu khu vực. Trong quá trình hợp tác, các hãng thành viên OANA luôn có sự điều chỉnh để hoạt động của tổ chức phù hợp với xu thế phát triển của báo chí. Với những nỗ lực không ngừng và kết quả đạt được, OANA đã khẳng định vai trò của tổ chức báo chí khu vực ngày càng uy tín và hiệu quả trong không gian truyền thông thế giới.
TTXVN gia nhập OANA năm 1969, là một trong những thành viên tích cực. TTXVN luôn chủ động tuyên truyền thông tin đối ngoại trên các kênh truyền thông của OANA nhằm quảng bá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; giới thiệu đất nước và con người Việt Nam. TTXVN được bầu là thành viên Ban Chấp hành OANA trong 2 nhiệm kỳ 3 năm liên tiếp, từ năm 2013 đến nay.
Đây là lần thứ tư TTXVN đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành OANA, sau các hội nghị vào các năm 1989, 1999 và 2005. Việc TTXVN là hãng chủ nhà của Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44 khẳng định vai trò của hãng thông tấn quốc gia của Việt Nam tại diễn đàn báo chí đa phương này.