Tại các địa phương vùng biển huyện Thuận Nam và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các đơn vị chức năng theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt việc ra khơi của tàu thuyền; tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại các bến cảng, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Các địa phương di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè trên biển trong đêm 30/10, trường hợp cần thiết phải sử dụng biện pháp cưỡng chế.
Lãnh đạo tỉnh đề nghị các lực lượng xung kích, công an, bộ đội phối hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ người dân các khu vực ven biển chằng chống nhà cửa; tiếp tục rà soát, nắm chắc tình hình dân cư cần được di dời, kiên quyết sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm, nhà yếu có nguy cơ ngập nước, sập đổ, không đảm bảo an toàn; đặc biệt ở vùng ven sông, cửa biển có nguy cơ sạt lở đất cao, sóng to gió mạnh. Các địa phương tăng cường theo dõi vị trí các tuyến đê, kè ven biển có nguy cơ sạt lở cao do sóng to, triều cường xâm thực mạnh để chủ động ứng phó kịp thời.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện còn 440 tàu cá với 3.757 lao động đang hoạt trên các vùng biển Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng chưa vào bờ nhưng đã liên lạc và hướng dẫn ngư dân đi vào khu vực an toàn để tránh bão. Các đơn vị chức năng của tỉnh tiếp tục phối hợp với các tỉnh bạn thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện tàu cá đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp với các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các hồ chứa đã tích đầy nước, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho các công trình và khu vực vùng hạ du. Các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức kiểm tra độ an toàn các bảng hiệu, pano quảng cáo khu vực ven biển, các cơ quan, công sở để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại trong trường hợp xảy ra gió mạnh, bão đổ bộ vào bờ.
Trước đó, vào chiều tối 29/10, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức họp khẩn, bàn giải pháp để ứng phó với bão số 5. Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện nghiêm lệnh cấm biển kể từ 19 giờ cùng ngày; các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu. Các đơn vị thông tin tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ để thông tin kịp thời đến các tổ chức và người dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh.