Ưu đãi, đầu tư cho đường sắt thế nào khi thị phần quá thấp

Thị phần thấp, vậy đường sắt sẽ được ưu tiên đầu tư thế nào để có thể phát triển, thoát khỏi tình trạng yếu kém, lạc hậu là vấn đề nhiều đại biểu đặt ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/3 về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

“Tàu chạy ồn, kinh hoàng nhất là nhà vệ sinh”

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đường sắt yếu kém là có lý do của nó. Dẫn chứng cho điều này, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, đầu tư cho đường sắt giai đoạn 2005-2015 bình quân chỉ chiếm 4,4% so với toàn ngành giao thông vận tải. Năm 2015, trong khi đầu tư cho đường bộ chiếm 92,9%, thì đầu tư cho đường sắt chỉ 1,6%, (đường thủy nội địa 1,9%, đường hàng không chỉ 0,3%).

Trong Nghị quyết 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, vốn bố trí cho đường sắt rất hạn chế, thậm chí rất ít so với nhu cầu. Với số vốn bố trí theo kế hoạch này thì đường sắt trong một số năm tới sẽ khó thực hiện chiến lược, quy hoạch đã đặt ra.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng đưa ra một con số biết nói: thị phần đường sắt hiện rất thấp (0,6% năm 2008).

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa phát biểu tại phiên họp.

Thực tế, cơ sở vật chất và dịch vụ ngành đường sắt chưa đáp ứng được nhu cầu của hành khách. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn câu chuyện mình đi tàu về quê gần đây cho biết, bản thân cũng cảm cảm nhận rõ đường sắt không hấp dẫn. “Trong khi đi ô tô giường nằm về quê ngủ một đêm trên xe ngon lành, xe chạy êm thì  đi tàu khác. Tàu chạy rất ồn nên khách trung tuổi vật vã một đêm trên tàu rất mệt. Kinh hoàng nhất là nhà vệ sinh, nhiều người nghĩ tới là không muốn đi đường sắt. Bậc lên xuống cho hành khách chỉ những nhà ga lớn thì đã hạ thấp xuống, còn các nhà ga khác thì rất cao”, bà Lê Thị Nga kể.

Đường sắt cần được hưởng chính sách ưu đãi nhất về thuế

Cần có chính đột phá về chính sách để phát triển ngành đường sắt, nhất là về đầu tư để đưa đường sắt sớm thoát ra khỏi tình trạng rất lạc hậu, yếu kém như hiện nay. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, việc đưa ra các chính sách ưu đãi cũng phải tính toán trên hiệu quả thực tế, liệu đường sắt có thể trở thành một loại hình vận tải đóng vai trò chủ đạo chủ và phát triển đồng bộ, có thể kết nối với các loại hình vận tải khác hay không?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, tỷ trọng đầu tư cho đường sắt như hiện nay là không ổn, vì vậy luật sửa đổi làm sao phải tăng thị phần cho đường sắt. “Cần  rà soát lại các chính sách (Điều 5, Điều 6), các quy định cụ thể, đi vào từng chính sách cụ thể”, bà Lê Thị Nga đề xuất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, ưu đãi trong hoạt động đường sắt là cần thiết,  nhưng quy định như thế nào để thống nhất với các luật đã ban hành như Luật đầu tư, Luật ngân hàng... Hơn nữa, có ưu đãi đầu tư nhưng “không phải là vô hạn”.  

Vế vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, luật sửa đổi lần này phải giải quyết được những bất cập và mở ra bước đột phá mới về chính sách pháp luật; để ít nhất trong 5-10 năm tới đường sắt phải là chủ đạo hoặc là một trong các loại hình giao thông chủ đạo.


“Phải mở đường cho đường sắt phát triển, đi theo đó là phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách cho ngành giao thông. Đường sắt cần được hưởng chính sách ưu đãi nhất về thuế”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cũng thừa nhận, mặc dù đường sắt có ưu thế về chiều dài và giá vận chuyển, thế giới cũng đánh giá ưu thế của Việt Nam là đường sắt và đường thủy. Nhưng đã quá lâu chúng ta không đầu tư không xứng đáng cho đường sắt, tỷ lệ đầu tư cho đường sắt rất nhỏ. Trong thời điểm hiện nay, đường sắt càng ngày càng mất ưu thế, mất dần tính kết nối, vận chuyển hàng hóa đang bị giảm.

“Từ việc sửa luật lần này, chúng tôi nghĩ từ tiêu chuẩn, cách thức kinh doanh đường sắt và tới đây với chủ trương của Quốc hội mà Bộ Giao thông Vận tải đang làm đề án đường sắt tốc độ cao thì đường sắt sẽ có vai trò xứng đáng. Đường sắt sẽ tham gia một cách tích cực và phải lên vị trí số 1 trong vận chuyển hành khách và hàng hóa”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng thông tin thêm, hiện Tổng công ty đường sắt đã bắt đầu thay đổi cách thức tiếp cận hành khách cũng như kinh doanh. Thay vì thụ động theo kiểu bao cấp, có lúc “hơi bất cần”, ngành đường sắt đã thay đổi phương thức bằng cách tiếp cận khách hàng ở những tuyến ngắn, đầu tư tốt hơn, dịch vụ tốt hơn. “Đường sắt hiện nay coi vận chuyển hàng hóa Bắc – Nam mới là chiến lược phát triển của mình”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Bài và ảnh: Xuân Phong
Cho ý kiến về dự án Luật đường sắt sửa đổi
Cho ý kiến về dự án Luật đường sắt sửa đổi

Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, sáng 18/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN