Vùng dân tộc và miền núi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường…, là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng cũng là vùng khó khăn nhất về mọi mặt.
Chính sách được phủ khắp
Theo báo cáo kết quả rà soát các chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi của Ủy ban Dân tộc trình bày tại Hội nghị toàn quốc đánh giá và triển khai thực hiện chính sách vùng dân tộc và miền núi, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, diễn ra ngày 11/4, tại Hà Nội, mặc dù giai đoạn 2006 - 2012 nền kinh tế bị suy thoái, ngân sách nhà nước có nhiều khó khăn, nhưng ngân sách nhà nước đã bố trí gần 60.000 tỷ đồng cho các chính sách hỗ trợ, đầu tư để tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất của vùng dân tộc và miền núi, tạo đà cho khu vực này phát triển như đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, cho vay vốn… Các chính sách cho một số đồng bào dân tộc rất ít người như: Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu, Si La, Pu Péo, Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao và các chính sách về nông nghiệp nông thôn, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao… đã tạo thành hệ thống chính sách tương đối toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc đánh giá, triển khai thực hiện chính sách vùng dân tộc và miền núi. |
Nhờ các chính sách hỗ trợ, đầu tư và sự nỗ lực phấn đấu của bà con, vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã đổi thay rõ nét. Một số vùng đã có những bước phát triển theo hướng hàng hóa, hình thành những vùng chuyên canh, trang trại. Những nơi khó khăn đang được quy hoạch sắp xếp lại, hỗ trợ sản xuất và đời sống giúp đồng bào định canh, định cư. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên từng bước, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi đều giảm vượt chỉ tiêu. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thay đổi rõ rệt. Các giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy thông qua việc khôi phục các lễ hội truyền thống… Hệ thống trường, lớp học và trạm y tế ngày càng được hoàn thiện...
Nhưng còn nhiều hạn chế
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’So Phước cho rằng, việc thực hiện các chính sách đạt được những kết quả đáng khích lệ, song kinh tế vùng đồng bào dân tộc và miền núi vẫn chậm phát triển so với tiềm năng của vùng và chưa vững chắc, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, còn 535 xã chưa có đường nhựa đến trung tâm xã, chỉ đi được mùa khô chưa nói đến các thôn bản đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Đởi sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao. Ảnh: Nguyễn Thủy- TTXVN |
Hệ thống trường, lớp học kiên cố, còn gần 16.000 thôn, bản chưa có nhà trẻ… Dân cư sống rải rác không tập trung, tình trạng dân di cư tự do vẫn diễn ra. Sản phẩm của nông dân sản xuất ra chưa có thị trường thiêu thụ… Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch cho rằng, cần có sự đầu tư tập trung vào hệ thống giao thông và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chương trình xây dựng trung tâm cụm xã để đồng bào có nơi giao thương. Cùng với đó là sắp xếp, ổn định dân cư thành thôn, bản để tiết kiệm đầu tư hạ tầng cơ sở…
Đánh giá về các chính sách thực hiện trong thời gian qua, đại diện các bộ, ngành và địa phương đều cho rằng, mặc dù vốn đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi khá lớn. Nhưng các chính sách còn chồng chéo, cách thức đầu tư, hỗ trợ chưa hợp lý, chưa khuyến khích người dân tự vươn lên. Ủy ban Dân tộc cần rà soát, sắp xếp lại chính sách để đầu tư tập trung, có trọng điểm, mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần phát huy nội lực, chủ động tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách đã ban hành, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả.
Nâng cao hiệu quả đầu tư
Để nâng cao hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho rằng, cần có định hướng lớn như: Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc và miền núi, nhất là các công trình trọng điểm để phục vụ đời sống và sản xuất; giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giải quyết tình trạng di dân tự do; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc từ Trung ương đến các địa phương; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của vùng dân tộc và miền núi. Cần đảm bảo nguồn lực đầu tư cho các chính sách đã được ban hành, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí; điều chỉnh lại cơ chế quản lý thực hiện chính sách dân tộc theo hướng xây dựng chương trình, chính sách tổng hợp, đa mục tiêu, dài hạn.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, những năm vừa qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng tâm nhất trí của toàn dân, nước ta đã thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đã quan tâm chỉ đạo thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, vùng đồng bào dân tộc và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, giữa các dân tộc với nhau chênh lệch lớn; hệ thống cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư nhưng vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển... Theo Thủ tướng, những yếu kém, tồn tại ngoài nguyên nhân khách quan, còn không ít nguyên nhân chủ quan trong việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương coi việc phát triển vùng dân tộc và miền núi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nhằm từng bước thu hẹp chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc. Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, đề xuất các cơ chế, chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi cho phù hợp với điều kiện thực tế; đổi mới cơ chế, biện pháp tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu quả của chính sách dân tộc và miền núi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung mạnh xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc và miền núi nhanh hơn và bền vững hơn. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo cả trước mắt và lâu dài; kịp thời hỗ trợ đồng bào, không để hộ đồng bào nào bị thiếu đói trong vùng bị thiên tai, lũ lụt hay trong mùa giáp hạt. Cần hỗ trợ, tạo các điều kiện thuận lợi cho đồng bào phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng gia trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao mức sống. Cùng với đó, tạo điều kiện hỗ trợ đồng bào gắn bó với rừng, bảo vệ rừng, làm giàu từ rừng...
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng xem xét và cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của Ủy ban Dân tộc liên quan đến chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc; chính sách hỗ trợ định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh du cư; Đề án phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi; Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người.
Trọng Thủy