Ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân khi thành lập thành phố Thủ Đức

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức sẽ tập trung triển khai các kế hoạch, dự án, mục tiêu đã đề ra; trong đó nhiệm vụ chính vẫn ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân tại ba quận khi sát nhập.

Ngày 31/12, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng thành phố Thủ Đức cho biết, ngay sau khi ra mắt Ban Chỉ đạo xây dựng thành phố Thủ Đức (Ban chỉ đạo), đơn vị này cũng đã nghiên cứu xây dựng và đề ra lộ trình thực hiện Nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện để ổn định cuộc sống cho người dân và doanh nghiệp khi sát nhập. Trong đó, mọi hoạt động đều phải ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tại thành phố Thủ Đức.

Chú thích ảnh
Thành phố Thủ Đức sẽ tập trung triển khai sắp xếp bộ máy cán bộ trong ba giai đoạn. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Theo đó, việc sắp xếp lại bộ máy, tổ chức của thành phố Thủ Đức sẽ tập trung triển khai trong ba giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ ngày 1/1/2021 đến ngày 7/2/2021) hoàn thành việc sắp xếp, bàn giao, ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất của các tổ chức Đảng, Nhà nước… Đến ngày 7/2/2021, toàn bộ hệ thống các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố Thủ Đức và các phường trực thuộc đi vào hoạt động. 

Giai đoạn 2 (từ 7/2/2021 đến 23/5/2021) tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.

Giai đoạn 3 (sau ngày 23/5/2021): Các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan sau bầu cử; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để chính quyền thành phố Thủ Đức đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao nhất.

Đối với hoạt động thu hút đầu tư vào thành phố Thủ Đức, sẽ tập trung triển khai xây dựng, phát triển và kêu gọi đầu tư 8 trung tâm chức năng để thay đổi nhanh chóng diện mạo thành phố Thủ Đức, nâng cao đời sống người dân như: Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái - khu vực Tam Đa và Đại học Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai…

Đối với phát triển hạ tầng giao thông, thành phố Thủ Đức nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50% nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2040; mở rộng mạng lưới giao thông tuyến đường sắt đô thị số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Trước mắt, thành phố nghiên cứu giải pháp mở rộng mạng lưới xe buýt nhanh (BRT) trong khu vực phía Đông, gắn kết với các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới và kết nối với tuyến metro số 1 đang hình thành...

Chú thích ảnh
Thành phố Thủ Đức sẽ có 8 trung tâm chức năng để thay đổi nhanh chóng diện mạo của mình.

Đối với các công trình hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa thể dục thể thao: Nghiên cứu lập đề án phát triển theo định hướng chung về phát triển đô thị sáng tạo gắn với chương trình chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai kế hoạch đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng xã hội tương đương hoặc chuẩn mực hơn so với các khu vực khác.

Đối với các quỹ đất công viên cây xanh: Lập kế hoạch đầu tư công và xã hội hóa đầu tư phát triển cây xanh. Tăng cường mảng xanh (khoảng 1 triệu cây xanh) tại các công viên, các tuyến đường để thành phố Thủ Đức có thể trở thành một hình mẫu về phát triển đô thị xanh, bảo vệ môi trường của Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với hạ tầng số và chuyển đổi số, thành phố Thủ Đức sẽ tập trung quy hoạch hạ tầng viễn thông và an ninh mạng. Ban hành quy định về công nghệ thông tin cho đô thị sáng tạo như: trạm viễn thông đa nhiệm vụ, IoT, cáp quang, thực hiện dự án xa lộ thông tin, thiết lập Cổng quốc tế để kết nối trực tiếp với quốc tế. Nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử. Xây dựng, đầu tư hệ thống 5G cho thành phố Thủ Đức.

“Về lâu dài, khi thành lập thành phố Thủ Đức sẽ còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phải vượt qua nhưng Ban chỉ đạo sẽ nỗ lực thật nhiều để đáp lại sự tín nhiệm của Ban Thường vụ Thành ủy, sự kỳ vọng của nhân dân TP Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của thành phố Thủ Đức trong tương lai. Làm sao để phát triển thành phố Thủ Đức xứng đáng là khu đô thị sáng tạo, năng động bậc nhất của TP Hồ Chí Minh và khu vực, là hạt nhân cho phát triển cuộc cách mạng 4.0 tại các tỉnh phía Nam hiện nay”, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Sẽ bầu lãnh đạo TP Thủ Đức trước ngày 19/2/2021
Sẽ bầu lãnh đạo TP Thủ Đức trước ngày 19/2/2021

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, trước ngày 19/2/2021, TP sẽ hoàn thiện bộ máy HĐND TP Thủ Đức, bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN