Đây cũng là dịp tổng kết và ghi nhận những thành tích nổi bật của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định chính sách nhất quán và sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với kiều bào, qua đó động viên bà con hướng về quê hương, tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tham dự Lễ kỷ niệm có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước; các bộ, ngành trung ương và địa phương; cán bộ lão thành Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ cùng đông đảo kiều bào từ khắp nơi trên thế giới.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai tặng cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Góp phần gắn kết kiều bào với quê hương, đất nước
Chúc mừng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (dưới đây gọi tắt là Ủy ban) nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, đây là niềm vui không những của Ủy ban mà còn của cả Bộ Ngoại giao, là ghi nhận xứng đáng của Đảng và Nhà nước đối với những nỗ lực, những thành tựu đáng tự hào mà Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được trên chặng đường 60 năm qua.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trải qua chặng đường 6 thập kỷ xây dựng và phát triển, Ban Việt kiều Trung ương, nay là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có những bước trưởng thành vững chắc, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Từ một hội liên ngành với vai trò chủ yếu là đón tiếp và ổn định cuộc sống của kiều bào hồi hương, đến nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành một cơ quan quan trọng của Bộ Ngoại giao, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước và tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.
Thời gian qua, Ủy ban đã đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn, có tầm quan trọng chiến lược đối với người Việt Nam ở nước ngoài như Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Ủy ban cũng là cơ quan trực tiếp, đi đầu trong công tác vận động kiều bào hướng về quê hương, đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Nhiều hoạt động có ý nghĩa được đông đảo kiều bào đánh giá tốt như: Chương trình dạy tiếng Việt, Xuân Quê hương, thăm Trường Sa, Trại Hè Việt Nam cho các cháu thanh thiếu niên Việt kiều… góp phần gắn kết kiều bào với quê hương, đất nước. Công tác huy động tiềm lực và tri thức từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng đạt nhiều kết quả tích cực.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị, thời gian tới, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được đổi mới cả về tư duy, phương pháp và cách thức thực hiện trên cơ sở tận dụng sáng tạo chủ trương lớn về đại đoàn kết dân tộc của Đảng.
Ủy ban cần đẩy mạnh xây dựng cơ chế chính sách về người Việt Nam ở nước ngoài, thường xuyên nghiên cứu tiềm năng, thế mạnh của kiều bào, từ đó đề xuất tham mưu, bổ sung sửa đổi các chính sách liên quan nhằm vừa xây dựng tốt khối đại đoàn kết dân tộc vừa huy động hiệu quả nguồn lực to lớn có hiệu quả phục vụ cho đất nước, nhất là trong những lĩnh vực: Chuyển giao công nghệ, đầu tư, thương mại. Bên cạnh nguồn lực kiều hối, cần huy động mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của các kiều bào trong việc tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp làn thứ tư; thu hút đầu tư trực tiếp từ người Việt Nam ở nước ngoài, khuyến khích kiều bào làm cầu nối cho việc đưa hàng hóa Việt Nam ra các nước.
Cùng với đó, Ủy ban tích cực nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của kiều bào để có cơ chế chính sách, hoạt động thiết thực, làm cho kiều bào ngày càng hướng về quê hương, đất nước, duy trì, củng cố và phát huy bản sắc văn hóa người Việt Nam để kiều bào làm tốt hơn vai trò cầu nối tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước; tuyên truyền vận động các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế cũng như tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bên cạnh đó, Ủy ban cần tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể như: quốc tịch, hộ tịch để hỗ trợ kiều bào hoàn thiện địa vị pháp lý và ổn định cuộc sống sở tại; củng cố hoạt động của các hội đoàn; chủ động thông tin, tuyên truyền nhanh và kịp thời về tình hình trong nước, các chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; đổi mới công tác dạy và học tiếng Việt dành cho kiều bào, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Về mặt tổ chức, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban cần tiếp tục đổi mới, kiện toàn bộ máy tổ chức, trong đó Ủy ban là nòng cốt theo hướng tinh gọn, hiệu quả; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ nhằm nâng cao hơn nữa năng lực đội ngũ làm công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nhất là tại các địa bàn có đông người Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tin tưởng, Ủy ban tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, không ngừng nỗ lực để đưa công tác người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng hiệu quả hơn, thiết thực hơn, củng cố hình ảnh của Ủy ban, là địa chỉ tin cậy gắn bó của kiều bào.
Cộng đồng kiều bào luôn hướng về Tổ quốc
Báo cáo tóm tắt quá trình 60 năm xây dựng và trưởng thành của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Ngày 23/11/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 416/TTg thành lập Ban Việt kiều Trung ương, tiền thân của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đánh dấu mốc phát triển quan trọng của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là lần đầu tiên một tổ chức chuyên trách của Chính phủ được thành lập để vận động, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của kiều bào sinh sống ở nước ngoài, giúp Chính phủ theo dõi về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong 60 năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã khẳng định vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được Đảng, Nhà nước ban hành cụ thể, tạo bước chuyển biến tích cực về tư duy cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các bộ, ban, ngành, các địa phương trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Các bộ, ngành đã đề xuất chính sách trong nhiều lĩnh vực như địa vị pháp lý, quốc tịch, tôn giáo, người có công định cư ở nước ngoài, khoa học và công nghệ, dạy và học tiếng Việt, các vấn đề nhân đạo do lịch sử để lại... nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và triển khai nhiều biện pháp vận động kiều bào hướng về quê hương.
Cùng với vị thế ngày càng tăng của đất nước và sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển và đã thực sự trở thành một bộ phận cấu thành của cộng đồng dân tộc Việt Nam, một nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay không ngừng phát triển cả về lượng và chất với khoảng 4,5 triệu người tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 500 nghìn người có trình độ đại học trở lên, là kỹ sư, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế, tài chính. Một số kiều bào đã tham gia vào hệ thống chính trị các nước. Hàng năm, có khoảng 400-500 lượt chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Sự tham gia của 4/15 thành viên là trí thức người Việt Nam ở nước ngoài từ Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore trong Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã tạo đà cho trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp nhiều hơn nữa trong công cuộc xây dựng đất nước.
Cùng với đó, nhiều doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước làm ăn đã và đang tạo ra những doanh nghiệp bản địa mạnh, hàng đầu của đất nước, góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước. Hiện có gần 3 nghìn doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD. Lượng kiều hối tích lũy từ năm 1993 đến nay đạt khoảng 160 tỷ USD, góp phần quan trọng trong việc cân bằng cán cân thanh toán, là nguồn vốn đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương.
Bày tỏ vinh dự và vui mừng được có mặt tại sự kiện ý nghĩa này, thay mặt cộng đồng kiều bào trên khắp thế giới, ông Trịnh Cao Sơn, kiều bào Thái Lan, Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam tại Thái Lan, nêu tầm quan trọng của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối gắn kết cộng đồng kiều bào với quê hương, đất nước, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, góp phần vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam với nước sở tại. Ông Trịnh Cao Sơn khẳng định, cộng đồng kiều bào luôn hướng về Tổ quốc, là bộ phận không tách rời của Việt Nam. Bà con kiều bào sẽ tiếp tục đóng góp hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam tại nước sở tại.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tặng 2 tập thể và 5 cá nhân trong cộng đồng kiều bào vì đã có những đóng góp xuất sắc trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. 3 đơn vị xuất sắc, 13 cá nhân của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao thời gian qua. 3 cá nhân được tặng thưởng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp công tác người Việt Nam ở nước ngoài.