Đến thời điểm này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tiếp nhận quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước từ 5 bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông, Tài chính.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh, hiện Ủy ban đã có đủ 50 biên chế của năm 2018, cơ bản được tuyển dụng từ các bộ, ngành, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và một số rất ít từ các doanh nghiệp. Trong năm 2019, Ủy ban đã thành lập hội đồng tuyển dụng và đề xuất biên chế lên Chính phủ, các bộ, ngành để hoàn thiện tổ chức, bộ máy.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nêu rõ: Sự ra đời và đưa vào hoạt động Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là sự kiện kinh tế nổi bật năm 2018. Điều này nhằm thực hiện chủ trương có từ lâu, được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12, Nghị quyết 12 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII; tách bạch, phân định chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sự kiện này đánh dấu sự trưởng thành rất lớn về mặt tư duy trong tổ chức thực hiện. Quá trình chuẩn bị đề án thực hiện công phu, nghiên cứu kỹ lưỡng, nhiều mặt.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mô hình này đã thực hiện chức năng tập trung về đại diện chủ sở hữu, tạo điều kiện cho các bộ làm tốt hơn nữa vai trò quản lý nhà nước của mình. Theo Phó Thủ tướng, khi thành lập Ủy ban có nhiều thuận lợi. Cụ thể, đã có riêng Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Kết quả giám sát tối cao của Quốc hội về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016...
Một thuận lợi nữa mà Phó Thủ tướng chỉ ra là, việc ra đời Ủy ban đã đáp ứng đúng kỳ vọng, mong muốn của người dân, dư luận xã hội về việc có cơ quan gánh vác trách nhiệm và đầu mối hoạt động kinh doanh đồng vốn nhà nước hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất cho nhà nước vì suy cho cùng đồng vốn nhà nước là của dân.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhiều dự án doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, yếu kém nhưng không được dùng thêm nguồn lực vốn nhà nước để gỡ khó khăn… “Những thách thức này không phải do Ủy ban ra đời mới có mà đã tồn tại từ trước và không phải ngày 1 ngày 2 là giải quyết được. Bây giờ chỉ thay đổi cách làm Ủy ban sẽ là đầu mối tập trung giải quyết vấn đề này”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Cho rằng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và người dân là rất lớn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Ủy ban phải có sự chuyển biến mạnh mẽ. “Đòi hỏi nhiều thì thanh tra, giám sát hay phản biện xã hội sẽ càng nhiều. Đó là sứ mệnh của các đồng chí”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả, thành tựu mà Ủy ban đã đạt được sau gần 6 tháng hoạt động. Theo đó, Ủy ban đã tham gia đóng góp vào quá trình hoàn thiện, ban hành Nghị định 131/2018/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài ra, Ủy ban đã cơ bản hình thành được tổ chức, bộ máy với 8 vụ chuyên môn và 1 trung tâm; đã ban hành 44 quy chế; đã tuyển dụng được đội ngũ cán bộ, công chức từ các bộ, ngành… Ủy ban đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Quyết định 1515 về ban hành quy chế về trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đặc biệt, sau khi tiếp nhận, Ủy ban vẫn đảm bảo hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty không bị gián đoạn.
Phó Thủ tướng đề nghị, các thành viên Ủy ban phải quán triệt thống nhất Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết Quốc hội; chỉ đạo, chỉ thị của Thủ tướng, hệ thống văn bản pháp luật… để quán triệt đúng chức năng, quan điểm, chính sách của Nhà nước về doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, Ủy ban quán triệt sâu sắc Quyết định 707 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020"; Nghị định 131/2018/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban. “Ủy ban là đại diện chủ sở hữu, không phải tổ chức kinh doanh vốn nhà nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương; thực hiện đẩy mạnh phê chuẩn kế hoạch kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty, tập trung tái cơ cấu toàn diện về tài chính, bộ máy, nhân sự, đầu tư... "Đây là thách thức lớn nhưng cần quyết liệt khắc phục", Phó Thủ tướng đánh giá.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban có báo cáo chính thức về tình hình kiện toàn bộ máy và triển khai các nhiệm vụ, trong đó có việc tiếp nhận tập đoàn, tổng công ty gồm những khó khăn, vướng mắc cụ thể khi tiến hành tiếp nhận.