Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân

Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ tư Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ngày 30/3, các đại biểu thẩm tra Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân; Tờ trình về việc bổ sung ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.

Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về Đề án vị trí việc làm nêu rõ: Đề án được xây dựng trên cơ sở đánh giá về tổ chức, bộ máy của các Tòa án nhân dân hiện nay; nghiên cứu quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, các Luật tố tụng tư pháp quy định về cơ cấu tổ chức, bộ máy, quy mô hoạt động, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cấp Tòa án...; quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Vị trí việc làm của Tòa án nhân dân gồm hai Đề án: Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân và Đề án vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Tòa án nhân dân tối cao. Bố cục của Đề án được chia làm 4 phần.

Theo Đề án vị trí việc làm của công chức, hệ thống Tòa án nhân dân có Khung danh mục 194 vị trí việc làm của công chức, số lượng biên chế cần thiết bố trí theo vị trí việc làm là 19.415 người. Ngoài biên chế công chức, hệ thống Tòa án có 4 vị trí việc làm theo Nghị định số /2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tương ứng với 2.754 người.

Đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Tòa án nhân dân có tổng số 84 vị trí việc làm, số lượng người cần thiết bố trí theo vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp của Tòa án nhân dân tối cao là 219 người.

Các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá Đề án vị trí việc làm được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bám sát các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật về quản lý cán bộ, công chức. Hồ sơ bảo đảm đáp ứng yêu cầu của pháp luật về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức.

Trong điều kiện đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, cải cách chế độ công vụ, công chức, việc xây dựng, việc ban hành Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt là rất cần thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Trên cơ sở Đề án bố trí, sử dụng, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ nhằm bảo đảm chất lượng, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ thẩm phán, cán bộ công chức, viên chức trong ngành Tòa án nhân dân, bảo đảm cho Tòa án nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo Hiến pháp năm 2013 và pháp luật, nhất là những nhiệm vụ mới theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các đạo luật về tố tụng tư pháp mới được ban hành.

Về cơ bản, các đại biểu đánh giá Đề án đã làm rõ tính đặc thù của hoạt động Tòa án, nêu lên được những yếu tố ảnh hưởng, tác động đến cơ chế hoạt động, tiêu chuẩn cán bộ, công chức; vai trò, trách nhiệm của Tòa án và Thẩm phán trong hoạt động xét xử; những yếu tố tác động đến tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

Tuy nhiên, đối chiếu với các yêu cầu của Đề án vị trí việc làm, quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BNV ngày 25/6/2013 của Bộ Nội vụ, các đại biểu cho rằng, Đề án chưa thể hiện được quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ và xử lý công việc; mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tinl báo cáo đánh giá thực trạng việc phân công, bố trí, sử dụng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động; mô tả công việc của từng vị trí việc làm, từ đó xác định đúng khung năng lực của từng vị trí việc làm.

Các thành viên Ủy ban Tư pháp đề nghị Tòa án nhân dân tối cao bổ sung thêm các nội dung trên trong Đề án, bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy trình xác định các vị trí việc làm theo đúng quy định của pháp luật.

Các đại biểu tán thành với việc xác định vị trí việc làm đối với công chức, viên chức và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp, viên chức theo Đề án. Về cơ bản các vị trí việc làm đã bảo đảm tính khoa học, khách quan, bảo đảm sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, điều kiện hoạt động của tòa án nhân dân, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trong Tòa án nhân dân.

Đồng thời, các đại biểu nêu rõ: việc xây dựng Đề án vị trí việc làm cần phải bảo đảm phù hợp với hoạt động thực tiễn, sát với thực tế yêu cầu công việc, nhất là việc xác định danh mục vị trí việc làm, việc xác định khung năng lực của từng vị trí việc làm...., để từ đó các định ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm. Trên cơ sở đó vừa bảo đảm cho Tòa án nhân dân hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời, vừa đáp ứng được yêu cầu về tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho ý kiến về việc bổ sung ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.

Phúc Hằng (TTXVN)
Phân công công tác lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao
Phân công công tác lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao

Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao vừa có Thông báo số 158 về việc phân công công tác đối với các đồng chí lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN