'Vắc xin' ý thức và trách nhiệm

Hoang mang, lo lắng, Hà Nội dường như không ngủ đêm 6/3 khi Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công bố trên địa bàn phường Trúc Bạch, quận Ba Đình có bệnh nhân mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Đoạn phố Trúc Bạch, quận Ba Đình (Hà Nội) - nơi có nhà riêng của đối tượng mắc COVID-19 được phong tỏa từ tối 6/3 để lực lượng chức năng tiến hành công tác chuyển những người tiếp xúc gần với đối tượng đến nơi cách ly. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Dư luận bất bình bởi bệnh nhân không trung thực khai báo y tế khi nhập cảnh Việt Nam sau chuyến đi châu Âu trở về, từng đi qua vùng dịch tại Italy.

Đáng nói, khi về nhà, dù có dấu hiệu ho, sốt, bệnh nhân vẫn không khai báo với cơ sở y tế địa phương để được thực hiện cách ly theo hướng dẫn. Chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng thêm, bệnh nhân mới đến cơ sở y tế khám, điều trị.

Kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 được cơ quan chức năng công bố công khai đã khiến nhiều người lo lắng vì đã từng tiếp xúc với bệnh nhân.

Hơn lúc nào hết, mỗi người trong chúng ta cần bình tĩnh, tỉnh táo, hành động có trách nhiệm, để cùng nhau chiến thắng dịch bệnh. Niềm tin chiến thắng không phải trên cơ sở cảm tính vô căn cứ, mà được xây dựng từ cơ sở thực tiễn và khoa học.

Cả cộng đồng đã từng lo lắng khi phát hiện 16 người dương tính với virus SARS-CoV-2, rồi việc phong tỏa xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc). Mọi lo lắng đều vỡ òa nhường chỗ cho niềm vui khi lần lượt trong 16 bệnh nhân kể trên đều được xuất viện với kết quả âm tính, khỏe mạnh về với gia đình. Sơn Lôi đã được dỡ bỏ lệnh phong tỏa đã khiến người người vui mừng, thở phào nhẹ nhõm.

Trong khi nhiều quốc gia lân cận, có tiềm lực kinh tế và y tế hơn hẳn nhưng cũng có không ít ca tử vong do COVID-19. Hẳn với những điều trên, chúng ta có thể hoàn toàn đặt niềm tin vào ngành Y tế nước nhà có đủ trình độ, tâm huyết để khống chế dịch COVID-19.

Chưa hết, ngay khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu với sự lây lan của virus SARS-CoV-2, ngay lập tức, Chính phủ và ngành Y tế, các địa phương đã chủ động đón đầu dịch bệnh, kịp thời đưa ra hướng dẫn, khuyến cáo người dân cách phòng bệnh. Biện pháp được coi là hữu hiệu trong chống dịch ở nước ta thời gian qua là "phát hiện rồi cách ly".

Mạnh mẽ hơn, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra mệnh lệnh "chống dịch như chống giặc" để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không được ai có thái độ chủ quan với dịch bệnh. Qua đây cho thấy, sự quan tâm của nhà nước đối với dịch bệnh là tối đa, đặt sức khỏe nhân dân lên trên hết dù phải hy sinh lợi ích về kinh tế. Điều đó đã tiếp thêm niềm tin chiến thắng dịch bệnh cho nhiều người dân trong những ngày này.

Và niềm tin tiếp tục được củng cố hơn khi y tế nước nhà đã chế tạo thành công bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 (Kit) đạt chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Kết quả ngoại kiểm cho thấy, bộ Kit chẩn đoán dịch bệnh COVID-19 của Viện Công nghệ sinh học có độ nhạy và độ đặc hiệu tương đương với bộ Kit realtime RT-PCR của Tổ chức Y tế Thế giới, với độ đặc hiệu đạt 100%, độ nhạy đạt 2 copies/phản ứng với thời gian của quy trình chẩn đoán là 80 phút từ khi nhận mẫu RNA của bệnh nhân. Các chuyên gia đánh giá, bộ Kit ra đời có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp Việt Nam chủ động trong sàng lọc, chẩn đoán bệnh.

Năng lực phòng chống dịch của ngành Y tế nước nhà càng khẳng định niềm tin với nhân dân khi mà chỉ một thời gian ngắn sau khi dịch bùng phát, các nhà khoa học đã phân lập, nuôi cấy được COVID-19, đây là bước quan trọng để triển khai sản xuất vắc xin trong tương lai. 

Với những niềm tin trên, chúng ta càng cần bình tĩnh để đưa ra kế hoạch sinh hoạt, công tác, lao động hợp lý.

Sự phát triển của mạng xã hội tạo ra nhiều nguồn thông tin đa chiều hơn cho người đọc. Song, trên thực tế nhiều người thay vì tiếp cận nguồn tin chính thống, đã dễ dàng tiếp nhận thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội, những tin giật gân, câu khách, thiếu chuẩn xác... Dẫn tới, trong thời điểm xảy ra dịch đã có những tin đồn thất thiệt, tin sai lệch đã từng gây ra hậu quả khôn lường cho nhiều trường hợp.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 sẽ còn nhiều khó khăn nên hơn lúc nào hết mỗi người dân hãy bình tĩnh để biết tự bảo vệ bản thân trước những tin đồn không chính xác trên mạng. Người dân cũng nên hạn chế tích trữ đồ ăn, đừng khiến mọi siêu thị đều trở nên đông đúc và lộn xộn, dẫn tới tình trạng mất kiểm soát, lây lan bệnh nhanh nhất. Nếu tất cả bình tĩnh, chỉ mua thực phẩm gần nhà và mua đủ dùng thì tất cả sẽ có đủ đồ, không ai bị thiếu và không dẫn tới tình cảnh mất kiểm soát thực phẩm. Hơn nữa, người dân càng cần bình tĩnh suy xét không nên tự ý dời bỏ công việc đang làm ở thành phố để về quê tránh trú, dẫn tới công việc bị đình trệ, ứ đọng, ảnh hưởng tới xã hội.

Giải pháp lúc này là mỗi người dân, mỗi gia đình thực hiện nghiêm các khuyến cáo từ Bộ Y tế: Hạn chế tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên, tự chăm sóc nâng cao sức khỏe bản thân và gia đình, theo dõi nguồn thông tin chính thống, tránh hoang mang. Vắc xin hiệu quả nhất thời điểm hiện tại là ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân và gia đình.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Các hãng hàng không cần thông báo cho hành khách khai báo y tế trước khi nhập cảnh
Các hãng hàng không cần thông báo cho hành khách khai báo y tế trước khi nhập cảnh

Cục Hàng không Việt Nam vừa yêu cầu các hãng hàng không thông báo bằng nhiều hình thức trên trang web bán vé, quầy làm thủ tục, nhắn tin qua điện thoại... tới hành khách nhập cảnh Việt Nam (bao gồm người Việt Nam và người nước ngoài) khai báo y tế bằng hình thức điện tử ngay trước khi thực hiện chuyến bay đi đến Việt Nam kể từ 6 giờ ngày 7/3/2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN