Nhân 88 năm ngày sinh của Thủ tướng Phan Văn Khải (25/12/1933-25/12/2021):

Vài kỷ niệm nghề báo với ông Sáu Khải

Tôi có may mắn được làm phóng viên chuyên trách thông tin về hoạt động của Thủ tướng Phan Văn Khải những năm 1999-2002. Khi ấy ông hơn tôi 9 tuổi, trong cảm nhận của mình, ông như người anh lớn trong nhà, hiền lành phúc hậu. Điều rất đặc biệt là ông rành rẽ nhiều chuyện bếp núc của nghề báo. Gặp trường hợp tế nhị, tôi thưa với ông về nội dung mà mình còn băn khoăn và chờ ông chỉ bảo.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phan Văn Khải dự khánh thành cầu Tân Đệ qua sông Hồng, nối liền hai tỉnh Thái Bình và Nam Định, ngày 8/2/2002. Ảnh tư liệu: TTXVN

Nhiều lần ở các địa phương, ông kêu cho dọn hai suất ăn sáng để tôi ăn cùng ông và báo cáo nhanh thông tin mới nhất để ông nghe. Đám phóng viên chuyên trách chúng tôi còn là bạn đánh tú lơ khơ với ông những tối rảnh việc. Đưa tin về hoạt động của Thủ tướng Phan Văn Khải hồi ấy, chúng tôi thấy ông đã thực sự là nhà lãnh đạo 6 dám. Lịch sử Quốc hội còn ghi nhận năm 1999, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có cống hiến lịch sử khi trình Dự án Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra Quốc hội. Đây là một Bộ luật rất tiến bộ, bộ luật đã giải phóng kinh tế tư nhân.

Trước đó gần 10 năm, theo Luật Công ty 1990, muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân phải có chữ ký của Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến giờ, nhiều người vẫn nhớ về ông Đinh Hạnh, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội  phải mất cả buổi chiều thứ bảy hàng tuần chỉ để họp thông qua và ký duyệt hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân. Mỗi chiều thứ bảy, ông Hạnh chỉ thông qua được hai, ba doanh nghiệp. Như vậy cả năm 1991, Hà Nội chỉ có trên 104 doanh nghiệp tư nhân ra đời. 

Lúc đó, Thủ tướng Phan Văn Khải có một Ban nghiên cứu gồm các chuyên gia có hạng, do một ông cựu Bộ trưởng phụ trách. Ban nghiên cứu này năng nổ lắm. Đôi khi họ không chờ Thủ tướng yêu cầu mà chủ động kiến nghị. Và Thủ tướng Phan Văn Khải, nghe theo kiến nghị của các chuyên gia này, đã cho thực hiện quyền tự do kinh doanh. Tức là, công dân được quyền đăng ký và kinh doanh những ngành hàng mà doanh nghiêp nhà nước không làm và pháp luật không cấm. Quy định này giải phóng cho ông Đinh Hạnh - Hà Nội và 63 ông Phó Chủ tịch tỉnh, thành khác.

Thế nhưng, khi quy định này được ban hành thì chẳng có bộ nào thực hiện cả. Ban Nghiên cứu đã trình với Thủ tướng Phan Văn Khải cho lập Tổ công tác của Thủ tướng đi đôn đốc, kiểm tra các bộ, làm rõ lý do vì sao lại không thực hiện. Tổ công tác đó đi khảo sát và phát hiện ra trong nền kinh tế của ta đang có trên nửa ngàn (560 - 580) giấy phép “con”. Tổ này trình ngay lên Thủ tướng và ông đã ký quyết định hủy ngay 2 giấy phép trong số đó.

Giới chức thạo tin ở Văn phòng Chính phủ rỉ tai nhà báo, quả này, ông Sáu cắt nguồn thu bất chính của các bộ rất nhiều. Có hành lanh pháp lý, kinh tế tư nhân được giải phóng, khuyến khích sự sáng tạo và năng động của người dân. Nhờ đó, kinh tế có bước phát triển mạnh, người dân cảm thấy thoải mái, họ cảm thấy được tự giải phóng. Cuộc sống đã chứng minh Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám cải cách, tin vào người dân và biết được thực tế cuộc sống.

Không chỉ bật đèn xanh cho kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phan Văn Khải còn đối thoại cởi mở với kinh tế tư nhân, giải quyết nhanh nhiều vướng mắc của kinh tế tư nhân. Sau này, chúng tôi nhận ra, ông thật có lý khi nhất định không chịu thành lập các tập đoàn kinh tế. Ông cho rằng, đây là các định chế quá mạnh mà không đủ trình độ và năng lực kiểm soát. Ông luôn nhắc, phải có cơ chế kiểm soát đủ mạnh mẽ, hiệu quả và minh bạch thì mới thành lập.

Sau khi ông nghỉ, người kế nhiệm cho ra đời hàng loạt Tổng công ty 90-91 và tập đoàn kinh tế và cái giá phải trả cho sự nôn nóng, đốt cháy giai đoạn là quá đắt. Tôi còn nhớ ông Sáu Khải từng phản đối BOT tràn lan. Ông bảo, nếu làm BOT thì phải làm con đường mới, để người dân có quyền lựa chọn đi hoặc không đi. Sau đó, ông đã quyết định vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB và WB) để làm đường. 

Tôi còn nhớ mãi có lần trong lúc ăn sáng, ông hỏi tôi: “Này nếu có 100.000 USD thì nên làm gì bây?”
Tôi thưa: “Anh cứ giao cho chị xử lý”.

Nào ngờ ông cao giọng mắng tôi: “Tầm bậy! Đây là tiền Tổng thống nước bạn tặng Thủ tướng Việt Nam. Không ai cho tiền ông Sáu Khải cả. Tiền đó phải sử dụng sao cho hiệu quả”.

Tôi tủm tỉm cười và thưa với ông Sáu: “Vậy anh giao cho Bộ Giáo dục góp thêm vào xây cất một trường cấp 3 ở vùng sâu vùng xa”.

Năm học sau, chúng tôi theo chân ông dự khai giảng trường THPT Phan Ngọc Hiển ở Cà Mau. Tôi đảo mắt tìm được tấm bảng khiêm tốn phía sau cổng chính ghi việc Thủ tướng tặng khoản tiền 100.000 USD xây trường.

Thủ tướng Phan Văn Khải  sinh ngày 25 tháng 12 năm 1933, mùa Đông này ông nếu còn sống, ông vào tuổi 90. Ông mất năm 86 tuổi, để lại muôn vàn lòng tiếc thương của người dân về một nhà lãnh đạo dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nói theo ngôn ngữ Đại hội XIII, ông đã là Thủ tướng 6 dám từ hơn hai mươi năm trước. 

Nhớ về ngày sinh của ông, xin bái vọng về Tân Thông Hội, Củ Chi, nơi ông bà an nghỉ.  

Trần Đình Thảo
Đồng chí Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo tài năng thời kỳ đổi mới
Đồng chí Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo tài năng thời kỳ đổi mới

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày sinh đồng chí Phan Văn Khải (25/12/1933 – 25/12/2018), Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo tài năng thời kỳ đổi mới”, để tưởng nhớ, tri ân những cống hiến của đồng chí Phan Văn Khải với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN