Vấn đề môi trường "nóng" phiên chất vấn chiều 15/11

Tại phiên chất vấn chiều 15/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tập trung làm rõ các vấn đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường; giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản của đất nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh chất vấn các thành viên Chính phủ chỉều 15/11. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN


Bảo vệ môi trường để xây dựng nông thôn mới


Trả lời chất vấn của các đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang), Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh),… về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: Ở nông thôn, các làng nghề, cụm công nghiệp thường nằm ở trong trong khu dân cư, do đó dẫn đến ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch không tốt. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, vấn đề quản lý môi trường nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ quản lý chung hạ tầng về xử lý chất thải. Những phân định về hạ tầng, môi trường xử lý chất thải lại giao các Bộ khác quản lý, trong đó trách nhiệm trực tiếp, cụ thể thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, quy định pháp luật ở đô thị, nông thôn khác nhau, chưa có quy định kiểm soát chặt chẽ đối với vấn đề này.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, đối với nông thôn, bài toán đầu tiên là việc xây dựng cơ chế chính sách pháp luật cần phân biệt nông thôn thuần nông, nông thôn ngoại thành và nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa để quan tâm vấn đề quy hoạch, cơ chế chính sách, nguồn lực, các tổ chức quản lý tương xứng với các yêu cầu đó. Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương đưa các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí về quy hoạch và hạ tầng nông thôn, trong đó cần quan tâm đến công tác thu gom rác thải.

Đối với môi trường nông thôn thuần nông, cần có hướng dẫn, nâng cao nhận thức để mỗi gia đình có thể phân loại và xử lý chất thải hữu cơ bình thường. Đối với các loại rác thải như: các bao bì, chai thuốc bảo vệ thực vật không đúng phải kiểm soát như đối với chất thải nguy hại, phải quy định trách nhiệm của đơn vị để phối hợp thu gom xử lý theo đúng quy định về chất thải nguy hại. Ngoài ra, trong thời gian tới, cần tính đến hướng dẫn người dân trong chăn nuôi nhỏ lẻ áp dụng mô hình công nghệ như: mô hình biogas trong chăn nuôi. Trong trường hợp chăn nuôi tập trung cần có quy hoạch ra khu dân cư, đồng thời có cơ chế quản lý chất thải rắn, nước thải cụ thể.

Quy định rõ trách nhiệm cụ thể khi có sự cố môi trường

Trả lời đại biểu về trách nhiệm khi có sự cố ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: Khi xảy ra một vấn đề môi trường, theo quy định việc phân định quản lý nhà nước hiện nay ở Trung ương, cụ thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các ngành chịu trách nhiệm theo chức năng và địa phương theo các cấp, các dự án. Bộ trưởng nêu rõ, khi có sự cố ô nhiễm xảy ra đều có thể gắn được trách nhiệm cụ thể. Tuy nhiên, việc phối hợp, quy định trong giải quyết các vấn đề giữa Trung ương và địa phương còn chưa rõ ràng. Theo Bộ trưởng, việc giải quyết phải bằng cách phân định cụ thể những chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý ở Trung ương và các cơ quan quản lý ở địa phương; đồng thời phải gắn trách nhiệm cụ thể.

Bộ trưởng nêu ví dụ, trong phê duyệt đánh giá tác động môi trường do Trung ương thực hiện, nhưng việc cấp phép đầu tư lại ở địa phương. Cách phân định này được quy định ở những luật khác nhau. Vấn đề này, theo Bộ trưởng cần có sự thống nhất trong việc xác định người chịu trách nhiệm cụ thể, từ việc phê duyệt, thiết kế, điều tra tác động môi trường đến việc giám sát doanh nghiệp hoạt động. Trên thực tế, các cơ quan Trung ương không thể đảm đương được việc quản lý các vấn đề môi trường ở các địa phương. Bởi vậy, việc sắp tới cần có tính toán phân định rõ hơn trách nhiệm cho địa phương; đồng thời gắn trách nhiệm đó cùng với tạo điều kiện tổ chức bộ máy, thiết bị và nguồn lực để thực hiện.

Kiểm soát chặt chẽ các biện pháp khắc phục

Chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về xử lý sự cố ô nhiễm môi trường do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là Công ty Formosa) gây ra, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nêu rõ: Cử tri Quảng Bình ghi nhận và đánh giá cao những giải pháp tích cực của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giải quyết hậu quả do Công ty Formosa gây ra.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp khắc phục lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường do Công ty Formosa gây ra tại một số tỉnh miền Trung là nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Chính phủ và các địa phương đặc biệt quan tâm. Trước tiên, các cơ quan chức năng đã dồn sức để khắc phục sự cố gây ra, đồng thời quan tâm đến đời sống của người dân…

Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trưởng đã thành lập một lực lượng chuyên ngành gồm các nhà khoa học ở các viện khoa học có uy tín trong cả nước để cùng xem xét, đánh giá kế hoạch để yêu cầu phía Công ty Formosa phải có các biện pháp để khắc phục và lộ trình xử lý cụ thể. Trong quá trình Công ty Formosa khắc phục thực hiện kế hoạch, Tổ công tác do Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam trực tiếp phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập theo dõi và giám sát về chất lượng nước thải, khí thải cũng như quản lý các chất thải đổ ra.

Đối với biện pháp xử lý, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra yêu cầu và quy định phải đáp ứng, kể cả những tiêu chuẩn Việt Nam chưa có thì phải áp dụng quy định cao nhất về công nghệ. Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung vào vấn đề công nghệ xử lý đối với nước thải, tất cả các khâu từ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hóa phát sinh ra từ nhà máy điện hoặc các khu vực khác đều được xem xét và có quy định để xử lý cụ thể. Đồng thời, Bộ đã có tính toán để nếu kèm theo sự cố thì có các biện pháp phòng ngừa, như: Hồ để xử lý tất cả các nguồn thải, các thông số thải được kiểm soát chặt chẽ, tự động. Quan trắc được thực hiện tự động, trực tiếp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường, sở, ngành ở địa phương. Ngoài ra, Bộ đã tính toán một số tồn tại về công nghệ sản xuất, để trong giai đoạn từ nay đến năm 2018, Công ty Formosa mới hoàn thành, thì phải xử lý khí thải, nước thải.

"Phía cuối đường ống, chúng tôi tính toán xây dựng hồ sinh thái rộng 10 ha, được giám sát chất lượng để bảo đảm quy chuẩn môi trường, với yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Hồ thủy sinh học này vừa tiếp tục xử lý sinh học lượng bùn, vừa được yêu cầu thả cá, trồng cây ngập mặn để bảo đảm nước thải trước khi ra môi trường bảo đảm an toàn tuyệt đối. Về các quy trình yêu cầu công cụ xử lý cấp quốc gia, chúng ta đã thống nhất với họ, theo tinh thần xây dựng nhà máy bảo đảm môi trường, duy trì lâu dài, không xảy ra sự cố và góp phần thực hiện phát triển bền vững ở địa phương. Mặt khác để kiểm soát tốt hơn vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thiết kế hệ thống giám sát môi trường biển tại 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế), có thể kiểm soát bùn thải, nước thải; đồng thời yêu cầu Công ty Formosa trong thời gian chưa ký hợp đồng với những doanh nghiệp có năng lực xử lý, thì được lưu trữ trong kho với chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại. Cùng với đó, Bộ phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh để đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu vực xử lý nước thải, chất thải của các doanh nghiệp đã đăng ký", Bộ trưởng cho biết.

Đối với vấn đề xỉ tro bay, xỉ đáy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trên thế giới coi đây là một loại vật liệu để thay thế vật liệu xây dựng, nên Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty Formosa tìm đối tác để thương mại hoặc chuyển các chất thải này thành vật liệu xây dựng. Đồng thời, Bộ đã đề nghị Bộ Xây dựng xây dựng tiêu chuẩn vật liệu xây dựng, để xỉ tro bay, xỉ đáy trở thành vật liệu xây dựng có giá trị thương mại. Hiện nay, với cách thức quản lý và nỗ lực của doanh nghiệp, đặc biệt Formosa đã mời nhiều cơ quan tư vấn nổi tiếng thế giới để tham vấn, giúp thay đổi từ công nghệ sản xuất, cách thức quản lý, vận hành xử lý chất thải để bảo đảm các khâu được quản lý chặt chẽ; để Formosa không gây ô nhiễm nữa và ngăn chặn triệt để nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Cần giải pháp hữu hiệu trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Về giải đáp ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có hẳn một nghị quyết, trong đó nêu rõ việc tăng cường quản lý tài nguyên môi trường. Cũng theo Bộ trưởng, vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có một kịch bản đối với việc phát triển đồng bằng sông Cửu Long là sẽ giải quyết vấn đề ngập lụt và tích nước. Đối với Nam Trung Bộ, tuy thời gian qua Bộ chưa có nghiên cứu kỹ, nhưng Chính phủ đang ưu tiên phục hồi lại rừng ngập mặn để chống bão, lụt. Còn ở Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi, đặc biệt thảm thực vật là rừng tự nhiên. Tây Nguyên đang đứng trước một tình trạng hoàn toàn thiếu nước do phát triển chưa bền vững và tác động biến đổi khí hậu. Trước tình trạng đó, Thủ tướng đã có quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, trong đó giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia trồng, phục hồi và phát triển rừng.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao thực hiện Đề án quan trắc quá trình sụt lún ở Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long. Kịch bản biến đổi khí hậu sẽ được tính toán dựa trên mực nước biển dâng. Sau khi có kết quả ban đầu trên cơ sở đánh giá theo vùng độ sụt lún cục bộ của từng vùng. Kịch bản biến đổi khí hậu được công bố năm 2016 đã được cập nhật. Tuy nhiên vấn đề sụt lún cần được nghiên cứu, tính toán kỹ và theo doi trong một thời gian đủ dài để đánh giá có kết quả.

Báo cáo tác động môi trường chỉ mang tính dự báo

Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề báo cáo tác động môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Trong quản lý hiện nay, các công cụ quản lý chưa thực sự sắc bén. Nhiều công cụ quản lý do sự điều chỉnh của các bộ luật khác nhau nên đến khi áp dụng công cụ đó nó không còn thực chất. Theo Bộ trưởng, từ khi dự án mới chỉ là ý tưởng đầu tư, việc đánh giá chưa thể được nhìn nhận toàn diện khi chưa tính đến yếu tố kinh tế, công nghệ. Do đó, công cụ đánh giá tác động môi trường chỉ mang tính chất dự báo chứ không phải là công cụ để sau này có thể giám sát quá trình quản lý.

Cũng theo Bộ trưởng, thông thường doanh nghiệp chỉ sử dụng công cụ đánh giá tác động môi trường theo một phần dự án. Mà một dự án liên hợp sẽ có nhiều hạng mục khác nhau; đánh giá nhiều hạng mục tại nhiều thời điểm khác nhau; do đó sẽ không nhìn thấy tác động tổng thể của các hạng mục lên môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xem xét đánh giá lại công cụ đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2005 và Luật Bảo vệ môi trường 2014 do có nhiều điểm khác nhau. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 chủ yếu dựa vào quan điểm kiểm soát thường xuyên theo quá trình, lấy phòng ngừa, trách nhiệm cơ quan Nhà nước đặt lên hàng đầu. Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đặt ra trách nhiệm đối với doanh nghiệp từ khâu thiết kế, thi công, vận hành thử. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh Luật Bảo vệ môi trường và những điều khoản liên quan đến môi trường trong các luật khác.

Theo chương trình, phần đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn.
Nguyễn Cường - Thu Phương (TTXVN)
Quốc hội bắt đầu chất vấn các Bộ trưởng
Quốc hội bắt đầu chất vấn các Bộ trưởng

Thủ tướng và 4 bộ trưởng Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ sẽ đăng đàn trong các phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày, từ 15-17/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN