Phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV:

Vẫn diễn ra tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Chỉ ra những địa chỉ chưa làm tốt

Tờ trình Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 đánh giá Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt; các bộ, cơ quan ngang bộ đã quan tâm, đầu tư thời gian và nguồn lực nhiều hơn cho công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là việc nghiên cứu, đề xuất các dự án luật theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc rà soát sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2018 đối với 13 dự án trong đó đề nghị rút ra khỏi Chương trình  01 dự án luật là Luật Công an xã do theo định hướng mới về xây dựng lực lượng Công an xã là lực lượng chính quy mà không phải là lực lượng bán chuyên trách nên cần phải đưa các nội dung quy định về lực lượng Công an xã vào Luật Công an nhân dân, để bảo đảm thống nhất trong việc quy định chung về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân; lùi thời hạn trình 02 dự án luật gồm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường để bảo đảm tính khả thi, chất lượng của dự án luật; bổ sung 10 dự án, dự thảo vào Chương trình năm 2018, bao gồm: 09 dự án luật, dự thảo nghị quyết liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch và 01 dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) bổ sung vào Chương trình để thay thế cho Luật Công an xã. Chính phủ đề nghị đưa 19 dự án luật vào Chương xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại nhiều năm trong công tác xây dựng pháp luật, dẫn tới chất lượng chưa cao, đó là hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên. Cụ thể năm 2017, bổ sung 06 dự án, lùi thời gian trình 05 dự án, rút khỏi Chương trình 03 dự án, 02 dự án được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp; năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình 03 dự án, bổ sung 10 dự án...

Báo cáo của Chính phủ đã chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế đó là các bộ, cơ quan ngang bộ phải dành nhiều thời gian cho công tác chỉ đạo, điều hành nên thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế; số lượng các dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung ngay là rất lớn và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 yêu cầu chặt chẽ về quy trình, trong khi các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng pháp luật... Đánh giá Chính phủ đã nêu rõ nguyên nhân của những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi vậy giải pháp là gì, trách nhiệm thuộc về ai cần được nêu rõ, chỉ ra những địa chỉ chưa làm tốt, tránh tình trạng nêu một số nơi, một số cơ quan không rõ.

Nhiều ý kiến băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định. Việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án còn hình thức... Cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm của mình; phát biểu của nhiều đại biểu còn trùng lặp, chưa tập trung vào những nội dung cần xin ý kiến; kỹ thuật văn bản còn một số điểm chưa thống nhất. Nhiều trường hợp gửi hồ sơ dự án đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định... 

Dự án đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải bảo đảm hồ sơ

Tại phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với các nguyên tắc lập Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018 đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh việc điều chỉnh Chương trình năm 2018 cơ bản không làm ảnh hưởng, thay đổi Chương trình đã được Quốc hội quyết định; chỉ cho rút, lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với những dự án chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ. Các dự án đã có trong chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) sẽ tiếp tục được đưa vào Chương trình để xem xét, thông qua trong năm 2019.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Dương Giang/TTXVN


Một số ý kiến lưu ý ưu tiên bổ sung Chương trình năm 2018, đưa vào Chương trình năm 2019 các dự án luật sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 và Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đồng thời, ưu tiên các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là tái cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng.

Nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh những dự án được đưa vào Chương trình phải bảo đảm hồ sơ đáp ứng đầy đủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có sự đồng thuận cao giữa cơ quan được giao chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án... Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại nhiều năm qua trong công tác xây dựng pháp luật đó là vẫn còn tình trạng chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật. Báo cáo của Chính phủ hay báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng không chỉ ra bộ hay cơ quan nào làm luật với kỷ luật không tốt. "Kỷ luật làm luật của chúng ta rất không nghiêm, nhiều hồ sơ dự án luật kể từ khi đưa vào chương trình đã phác thảo rất sơ bộ. Những tài liệu quan trọng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như báo cáo tổng kết thi hành luật, hầu như khoảng 70% không được ký, đóng dấu"- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bức xúc nêu thực trạng.

Cũng quan điểm này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, tình trạng chậm tài liệu đã trở thành tình trạng “trầm kha”. Tình trạng này là do thực hiện kỷ cương hành chính không nghiêm; có những dự án Luật, Chính phủ báo cáo rất quan trọng để đưa vào chương trình, sau đó lại xin rút - Tổng Thư ký dẫn chứng và chỉ ra thực tế, có những báo cáo của Chính phủ có số liệu nhưng trong hồ sơ lại không có ruột. Chính phủ cần khắc phục tồn tại này; đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định khoản 3 điều 64  Luật Ban hành văn bản quy phạm phạm pháp luật. Theo đó, cơ quan thẩm tra không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, “không thể bắc nước chờ gạo người”, mà giờ phải “có gạo mới bắc nước”. Cần thực hiện nghiêm quy định này, tránh sự bị động cho các Ủy ban, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Chăn nuôi
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Chăn nuôi

Sáng 13/4, tiếp tục Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Chăn nuôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN