Cũng chính vì tầm vóc của tác phẩm, Trung ương Đảng đã lấy ngày 15/10 là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là Ngày Dân vận của cả nước. Tác phẩm được coi là “Cương lĩnh Dân vận” của Đảng, thể hiện sự coi trọng sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tiếp nối truyền thống của cha ông ta về vai trò của nhân dân “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Trải qua 70 năm, tác phẩm “Dân vận” đã khẳng định vị trí, giá trị đặc biệt, xuyên suốt tác phẩm là tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. “Dân vận” là tâm huyết, lời răn dạy của Người dành cho mỗi cán bộ, đảng viên, khẳng định sâu sắc quan điểm dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đồng thời phản chiếu sinh động, trọn vẹn cả tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận” đăng trên báo Sự thật số 120, ngày 15/10/1949, với bút danh XYZ, trong thời điểm Đảng ta vừa phải lãnh đạo cả cuộc kháng chiến và công cuộc kiến quốc đầy cam go, phức tạp. Tác phẩm ngắn gọn, súc tích với bốn mục lớn: Nước ta là nước dân chủ; Dân vận là gì; Ai phụ trách dân vận?; Dân vận phải thế nào?.
“Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Nói đi đôi với làm
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chữ “dân” là trung tâm. Vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu hướng tới trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Là sự kết tinh dòng chảy tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và công tác vận động quần chúng của Đảng, lời mở đầu giản dị, trực diện trong bài báo “Dân vận” cũng chính là sự trăn trở của Người về tầm quan trọng chiến lược của công tác vận động quần chúng: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”.
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng, khi để lại bản Di chúc thiêng liêng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong lời dặn dò đầu tiên nói về Đảng, tâm nguyện thiết tha của Người là Đảng luôn “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”, nhân dân “luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Với niềm tin vững chắc vào sức mạnh to lớn của nhân dân, coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn dành tâm huyết bồi đắp, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân thông qua cầu nối là công tác vận động quần chúng.
Trong tác phẩm “Dân vận”, giá trị lý luận quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận khéo là ở sự biểu đạt của vấn đề nền tảng của công tác dân vận. Người đã viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), “khéo” là từ mà Bác gọi nôm, là cách viết dân dã, song thực ra đó là phương pháp, là nghệ thuật của hành động. “Khéo” làm công tác dân vận có nhiều biểu hiện về giá trị và ý nghĩa.
Theo bài báo của Bác, có thể thấy một trong những vấn đề đầu tiên cần làm là phải chống quan liêu: “Người phụ trách dân vận cần phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”, không thể chấp nhận lối làm việc “chỉ tay năm ngón”. Bệnh quan liêu là bệnh thường mắc phải trong điều kiện Đảng cầm quyền nếu cán bộ, đảng viên không chịu rèn luyện phong cách công tác cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm. Chính bệnh quan liêu cùng với bệnh tham ô, lãng phí đã bị Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là “giặc nội xâm, thứ giặc ở trong lòng, nó nguy hiểm hơn bọn Việt gian, mật thám”.
Tư tưởng dân chủ trong tác phẩm “Dân vận” được thể hiện trọn vẹn ở tinh thần: lời nói và hành động cần hòa quyện trong một thể thống nhất, nói phải đi đôi với làm. Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ công tác dân vận không chỉ dừng ở lời nói, mà cần có hành động cụ thể như phải cho dân biết mọi công việc của cách mạng; không chỉ thế, cần làm cho dân hiểu rõ, chỉ có biết và hiểu rõ thì dân mới có thể làm theo, làm đúng tinh thần cách mạng giao phó. Nhưng nói cho dân biết, giải thích cho dân hiểu chưa đủ để có thể tập hợp được quần chúng mà cần phải “bày cách cho dân”. Đây là khâu vô cùng quan trọng vì biết và hiểu mà thiếu kỹ năng hành động thì kết quả khó đạt được như mong đợi.
Phát huy tư tưởng “lấy dân làm gốc”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Trưởng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, phương pháp “dân vận khéo” được truyền đạt trong tác phẩm của Người còn thể hiện qua tính nêu gương. “Nêu gương” là phương pháp giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hành đạo đức cách mạng, xây dựng nền tảng xã hội mới. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “nêu gương” là một trong những phương pháp vận động nhân dân hữu hiệu nhất. Để tập hợp được lực lượng, vận động được quần chúng, được quần chúng tin tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, bản thân mỗi người đảng viên, người cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận phải là những tấm gương sống; nêu cao tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình.
Luôn xác định tâm thế “vì dân”
Công tác dân vận vừa là tiền đề, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc tiếp tục tăng cường, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận sẽ trực tiếp góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, đây là những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược.
Để trong thực tế ngày càng bớt đi những cán bộ chỉ nói suông, ngồi viết mệnh lệnh suông, Nghị quyết Trung ương 7, khóa XI đã chỉ rõ: Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, trong đó Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt.
Tuy nhiên, đặt trong mối quan hệ hai chiều, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, thực tiễn 70 năm qua cho thấy, để có được niềm tin và sự chung tay, đồng lòng của nhân dân, mọi quyết định của Đảng trước hết phải xuất phát từ cuộc sống của nhân dân, đặt lợi ích hợp pháp, chính đáng, đời sống của người dân là mối quan tâm hàng đầu. Các chính sách được ban hành không những cần hợp lòng dân mà còn phải vận động, tuyên truyền để tạo đồng thuận, phát huy vai trò làm chủ, động viên nhân dân tham gia, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh. Công tác vận động các tầng lớp nhân dân không thể tách rời công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ và nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; đồng thời, cần quan tâm hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” phù hợp thực tiễn.
Để tiếp tục phát huy giá trị lý luận, thực tiễn, ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng, công tác dân vận của cơ quan nhà nước, nhất là công tác dân vận của chính quyền cần được nâng cao hiệu lực, hiệu quả, lấy sự hài lòng của nhân dân là mục tiêu hoạt động; triệt để đổi mới công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục bằng nhiều hình thức như gặp gỡ trực tiếp, qua báo chí, mạng xã hội… để nhân dân hiểu về tình hình đất nước, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thấy rõ lợi ích của các dự án, công trình kinh tế - xã hội đem lại cho dân, cho nước; không để các thế lực thù địch gây nhiễu loạn tư tưởng nhân dân, chống phá ta, tạo bất ổn xã hội.
Cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và mọi hoạt động. Đặc biệt, để tổ chức tốt đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, các cơ quan, bộ, ngành cần tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; đồng thời quy định rõ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và của cán bộ, đảng viên. Bác đã dạy: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; chú ý giải quyết các vấn đề liên quan tới đời sống của nhân dân. Những việc có thể góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân phải được chú ý thực hiện ngay.
Đặc biệt, theo Thường trực Ban Bí thư, chất lượng công tác dân vận hiện nay chưa đạt xứng tầm không phải do trình độ của cán bộ dân vận còn hạn chế, “mà trong số cán bộ dân vận, có đồng chí còn chưa yên tâm với nhiệm vụ được giao, còn so kè với các lĩnh vực khác, nên chất lượng công tác thấp”. Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, hiệu quả của công tác dân vận không thấy ngay, mà cần thời gian kiểm nghiệm trong thực tế, vì toàn bộ vấn đề đều liên quan mật thiết tới người dân. Do vậy, cán bộ dân vận không được nóng vội, chủ quan, phải nhiệt tình, trách nhiệm, say mê với công việc. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên từ mỗi thôn, bản, làng, xã đến huyện, tỉnh và Trung ương xác định rõ tâm thế, trách nhiệm vì dân, tâm huyết với dân, công tác dân vận chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực.