Văn hóa - giá trị của doanh nghiệp thời đại mới

Yếu tố văn hóa luôn hình thành song song với quá trình phát triển của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là văn hóa của một tổ chức vì vậy nó không đơn thuần là văn hóa giao tiếp hay văn hóa kinh doanh, nó cũng không phải là những khẩu hiệu của ban lãnh đạo được treo trước cổng hay trong phòng họp; mà là tổng hòa của các yếu tố kể trên.

Giống như “linh hồn” của con người

Ngoài Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, bắt đầu từ năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) Việt Nam.

Theo đó, Ngày VHDN Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của VHDN; tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển VHDN trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và trong toàn xã hội. Đồng thời, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp; góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Đã có nhiều giải thưởng tôn vinh văn hóa doanh nghiệp.

Theo một nhà văn hóa, VHDN chính là những giá trị, niềm tin, hình thức mà mọi người trong doanh nghiệp cùng công nhận và suy nghĩ, nói, hành động như một thói quen. Nói cách khác, VHDN chính là “phần hồn” của doanh nghiệp, giống như đời sống tinh thần và tính cách của một con người, và là phần quyết định đến sự thành bại về lâu dài của doanh nghiệp. Nếu xét về hữu hình, VHDN thể hiện qua các yếu tố như đồng phục, khẩu hiệu, nghi thức, quy định, nhạc phim công ty, tập san nội bộ, các hoạt động... Còn về vô hình, thì đó chính là thái độ, phong cách, thói quen, nếp nghĩ của những con người trong tổ chức.

“VHDN là yếu tố chi phối hầu hết mọi kết quả của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có văn hóa rõ ràng thì giống như một con người không có định hướng mục tiêu cuộc đời và không biết đi về đâu”, nhà văn hóa này ví von.

Bước đầu tạo dấu ấn

“Da trắng hồng mịn màng, tóc đen dài thẳng mượt, quần áo lịch sự sang trọng, bản thân luôn ngay ngắn chỉn chu nhất có thể”, đó là những yêu cầu của một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc với nhân viên của mình. “Các thành viên trong công ty đặc biệt “nói không” với tóc uốn xoăn hay nhuộm màu, quần không bó, áo không trễ, móng tay không vẽ, nhuộm màu và không quá dài, đó là một số hình ảnh cho mỗi nhân viên của chúng tôi - nơi nuôi dưỡng, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa thuần Việt mà hiếm doanh nghiệp nào có được”, lãnh đạo doanh nghiệp này tự hào chia sẻ.

Cũng theo đại diện lãnh đạo này, doanh nghiệp muốn thịnh vượng phải xây dựng được một bản sắc văn hóa lành mạnh và tiến bộ. Muốn vậy phải bắt đầu từ mỗi người, đến từng công việc nhỏ nhất, cũng phải thực sự có văn hóa. Đặc biệt, mỗi cán bộ nhân viên của doanh nghiệp còn được trau dồi các phẩm chất văn hóa đạo đức theo thuần phong mỹ tục của dân tộc, theo tiêu chí: Nữ thì dịu hiền, giàu nữ tính; ngoài hoàn thành công việc tại công ty còn phải biết làm giàu nữ tính, biết cách yêu thương chăm sóc chồng con và gia đình chu đáo, là người vợ đảm đang và là người nội trợ thông thái. Với nam giới thì biết kiếm thêm thu nhập từ những công việc phụ hoặc kinh doanh được công ty trợ giúp, biết dành thời gian quan tâm chăm sóc hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ...

Còn với một doanh nghiệp khác, hoạt động trong một lĩnh vực văn hóa - thêu nghệ thuật; thì VHDN của họ cũng rất đặc biệt. Do nghề thêu là nghề dành riêng cho phụ nữ; nên văn hóa của doanh nghiệp này cũng nhấn mạnh đến giá trị nghề nghiệp và tôn vinh người phụ nữ. “Với người phụ nữ, nghề thêu không hoàn toàn là sự mưu sinh mà còn là một công cụ đi tìm bản sắc”. Chính “Bản sắc ngành nghề” là sở hữu nghiêm túc nhất, giá trị nhất, lâu đời nhất và hùng mạnh nhất của mỗi nhân viên của doanh nghiệp.

Đặc biệt, VHDN của doanh nghiệp này nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa “Giá” và “Giá trị”. Khách hàng sẽ cảm nhận được giá trị từ những tác phẩm thêu: Mỗi tác phẩm không chỉ là sự kết tụ của nhiều tháng, nhiều ngày lao động vất vả và tỉ mỉ; nó còn là sự kết tinh của những thăng trầm, nhọc nhằn, nước mắt và mồ hôi của những người làm nghề. “Việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp chúng tôi nằm trong chương trình phát triển và quảng bá các giá trị văn hóa của doanh nghiệp. Khi khách hàng đã hiểu được giá trị chân thiện mỹ của tác phẩm, Giá sẽ không còn là điều quan trọng mà chỉ có Giá trị là trường tồn. Văn hóa doanh nghiệp chúng tôi tôn vinh người lao động. Sứ mệnh của chúng tôi là tôn vinh nghề thêu và mang lại lợi ích tinh thần và vật chất tối đa cho người làm nghề”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Mỗi doanh nghiệp một cốt lõi, mỗi doanh nghiệp một đặc thù; nhưng dù ở lĩnh vực nào, ở khía cạnh nào; VHDN cũng đang dần trở thành một phẩm chất vô giá, tạo nên sự trường tồn của doanh nghiệp trong xã hội.
PV
Phát động thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”
Phát động thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”

Doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm và sự thịnh vượng của quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN