Về Chư Tan Kra (Kon Tum) để hiểu hơn sự hy sinh của cha ông vì sự thống nhất tổ quốc

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi có dịp đến Kon Tum và thăm di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra (xã Ya Xier, huyện Sa Thầy), nơi ghi dấu những trận đánh ác liệt của "trung đoàn mũ sắt” (Trung đoàn 209, Sư đoàn 312), đơn vị có sự tham gia của nhiều người con Hà Nội.

Di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra cách trung tâm thành phố Kon Tum 35km về phía tây bắc. Khu tưởng niệm mang dáng dấp một ngôi đình làng Bắc Bộ, lưng tựa vào núi Chư Tan Kra, mặt hướng về phía Bắc và Thủ đô Hà Nội - quê hương của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh ác liệt ngày 26/3/19.

Quan sát bia tưởng niệm, đa phần những chiến sĩ ngã xuống tại điểm cao này là những chàng trai mười tám, đôi mươi. Họ đã cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Đây là những người lính trẻ đến từ Ba Vì, Ứng Hòa, Đan Phượng, Thanh Oai, Hoài Đức... và các quận nội thành của Hà Nội. Thắp nén hương ở hàng mộ ngay sau khu tưởng niệm, nhiều người không khỏi xúc động khi còn những ngôi mộ đề dòng chữ: “Chưa xác định tên” hay khu mộ chung của 14 liệt sĩ cũng chưa rõ danh tính.

Kể với chúng tôi về trận đánh, cô Lê Thị Huyên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (huyện Sa Thầy) xúc động: “Tây Nguyên có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng nên ngay từ khi mới xâm lược, đế quốc Mỹ đã xây dựng nhiều đồn bốt tại đây, trong đó “mắt xích” quan trọng là Điểm cao 995 - núi Chư Tan Kra. Để tăng cường cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 19, Trung đoàn 209 đang huấn luyện ở Hòa Bình được điều động vào chiến trường Tây Nguyên. Đây là đơn vị bộ binh đầu tiên được trang bị chính quy hiện đại, bao gồm súng AK báng gấp, mặt nạ phòng độc, súng phun lửa, B40, B41, đại liên K6... và mũ sắt của Liên Xô thay cho mũ tai bèo, mũ cối (vì thế được gọi là “trung đoàn mũ sắt”).

Xác định Chư Tan Kra là điểm cao chiến lược nên quân đội Mỹ đã xây dựng tại đây một căn cứ quân sự vững chắc, trang bị vũ khí tối tân với gần 1.000 binh sĩ đồn trú, gồm 5 đại đội bộ binh và 1 đại đội pháo hỗn hợp cùng các đại đội pháo 105mm, 155mm, 175mm, 203mm đóng ở các căn cứ xung quanh...

"Nhận định nếu không đánh Chư Tan Kra sẽ rất khó khăn cho ta khi tiến đánh căn cứ KLeng, với quyết tâm tiêu diệt quân Mỹ tại điểm cao này, đêm 25 rạng ngày 26/3/19, quân ta nổ súng tấn công mạnh mẽ từ các phía, tiêu diệt 2 đại đội và 1 trận địa pháo của địch. Ngay sau đó, địch tăng cường quân chi viện cùng hỏa lực máy bay, pháo... Trận đánh kết thúc vào 7 giờ sáng ngày 26/3/19. Kết quả, 204 lính Mỹ bị tiêu diệt nhưng trên 200 chiến sĩ của ta cũng đã anh dũng hy sinh", cô Lê Thị Huyên thông tin.

Chú thích ảnh
Nhà tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh khi đánh điểm cao 995 Chư Tan Kra.
Chú thích ảnh
Đoàn khảo sát Hiệp hội du lịch dâng hương tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh cho sự thống nhất tổ quốc.
Chú thích ảnh
Nhiều chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Đã 54 năm đã trôi qua, chiến trường ác liệt ngày nào giờ đã được phủ một màu xanh của cà phê, cao su. Điểm cao 995 - Chư Tan Kra được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh và được xây dựng trên khuôn viên rộng gần 100.000m2, trong đó khu vực I được bảo vệ rộng khoảng 40.000m2, gồm: Nhà tưởng niệm, 2 nhà bia và 2 bức phù điêu tái hiện sự chiến đấu, hy sinh quả cảm của các chiến sĩ trong trận chiến Chư Tan Kra.

Công trình được xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị nhờ sự chung tay góp sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cùng huyện Sa Thầy và tỉnh Kon Tum. Đến năm 2021, tổng cộng 169 hài cốt liệt sĩ đã được cất bốc, quy tập về đây.

Ông Trần Văn Tiên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sa Thầy cho biết, từ năm 2016, vào mỗi dịp 26/3, chính quyền địa phương và nhân dân Hà Nội, Kon Tum đều tổ chức Lễ giỗ trận với nhiều hoạt động văn hóa như lễ cầu siêu, biểu diễn cồng chiêng, giới thiệu các món ăn truyền thống... Đây còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho cán bộ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum thắp hương hàng mộ phía sau nhà tưởng niệm.
Chú thích ảnh
Ngôi mộ chung của những chiến sĩ hy sinh trong trận chiến điểm cao 995.

“Để di tích Điểm cao 995 - Chư Tan Kra trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, từ năm 2022, huyện Sa Thầy tổ chức thường niên Giải dù lượn để thu hút khách du lịch. Với điều kiện thuận lợi về địa hình, khí hậu, nên Chư Tan Kra được đánh giá là một trong những nơi có điều kiện bay dù lượn tốt trong cả nước và có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Đây sẽ là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn của huyện Sa Thầy thời gian tới”, ông Trần Văn Tiên chia sẻ.

Còn theo ông Huỳnh Đức Tiến, nguyên Chủ tịch Hiệp hội du lịch Kon Tum, cùng với đồi Charlie, điểm cao 995 là hai cứ điểm quân sự trong chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt tại khu vực này thu hút nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu lịch sử. Mới đây, Hiệp Du lịch Việt Nam và doanh nghiệp du lịch địa phương có tổ chức đoàn khảo sát tuyến điểm này để thu hút khách trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Cô Lê Thị Huyên thuyết minh tại điểm di tích.
Chú thích ảnh
Bức phù điêu về cuộc hành quân của chiến sĩ trung đoàn 209.  
Chú thích ảnh
Bia tưởng niệm.  
Chú thích ảnh
Khu vực bãi đất trống trước đài tưởng niệm là bãi đáp của môn thể thao dù lượn.   
Bài, ảnh, clip: XL/Báo Tin tức
Liên kết phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia
Liên kết phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia

Ngày 24/4, tại thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” năm 2022, nhằm hưởng ứng các hoạt động Năm du lịch quốc gia 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN