Một là mức kinh phí đăng cai là khá lớn (150 triệu USD) trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn; Hai là lực lượng VĐV thành tích cao của Việt Nam còn quá thiếu và yếu, liệu có đủ sức tạo nên một "sự đột biến" trong ASIAD 18 (năm 2019) để xứng tầm nước chủ nhà. Đó là hai nội dung chính mà người dân quan tâm đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ VH, TT & DL Hoàng Tuấn Anh trong chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời", phát sóng trong chương trình thời sự trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam tối 2/12/2012.
Sẽ cố gắng không vượt mức kinh phí 150 triệu USD
Vượt qua các đối thủ, Việt Nam đã trở thành chủ nhà của kỳ Đại hội thể thao châu Á -ASIAD 18. Đây là một niềm tự hào lớn, cũng là một cơ hội lớn với Việt Nam nếu như chúng ta có thể tận dụng được "lợi thế" này. Tuy nhiên, cũng rất nhiều ý kiến băn khoăn đã được đặt ra ngay khi chúng ta giành được quyền đăng cai; trong đó tập trung nhất là vấn đề mức kinh phí quá lớn, tới 150 triệu USD mà chúng ta sẽ phải chi ra cho việc đăng cai này. Đặc biệt trong khi trên thực tế, thì các nước đăng cai lâu nay đã có nước chi tới mức dưới 3 tỷ USD cho sự kiện này, có nghĩa là nhiều khả năng cho số kinh phí mà chúng ta phải chi cho ASIAD sẽ còn phải "đội" lên nữa.
Trả lời những băn khoăn của người dân, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, Bộ đã xác định cố gắng không vượt mức chi 150 triệu USD, tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố khách quan khác. Theo Bộ trưởng, nếu giá nhân công, giá vật liệu mà tăng lên, thì đây sẽ là điều "bất khả kháng" trong việc mức chi có thể bị "đội" lên. Bộ trưởng cũng đưa ra con số 10-20% mức kinh phí tăng thêm so với dự kiến ban đầu mà các nước đã từng đăng cai ASIAD "vấp" phải. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Bộ có "ý thức cao về vấn đề cần phải tiết kiệm, cũng như phải làm sao đưa vào xây dựng, nâng cấp các công trình một cách hiệu quả nhất, không để thất thoát, và sẽ có sự giám sát với công tác xây dựng, nâng cấp này".
Bên cạnh nỗi băn khoăn về kinh phí tổ chức, thì việc các công trình xây dựng mới, nâng cấp để sử dụng trong kỳ ASIAD sắp tới sẽ được phát huy hiệu quả ra sao khi sau khi kết thúc kỳ Đại hội cũng là vấn đề được người dân quan tâm. Vì trên thực tế, đã có những ví dụ "nhãn tiền" về việc nhiều công trình xây dựng cho các sự kiện thể thao lớn, sau đó đã bị sử dụng không đúng mục đích.
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Bộ đã tính tới việc này. Thừa nhận hiện đã có một số bất cập trong việc sử dụng các công trình sau các sự kiện thể thao quốc tế trước đây, tuy nhiên theo Bộ trưởng "sai đâu mình sửa đó". Cũng theo Bộ trưởng, kinh nghiệm của các nước láng giềng cho thấy, các công trình thể thao của họ rất đa năng, không chỉ phục vụ cho các dịch vụ thể thao, mà còn phục vụ cho các dịch vụ văn hóa, giải trí, du lịch. Đây là một điều mà Việt Nam cần học tập, và tới đây, khi xây dựng các công trình phục vụ cho ASIAD 18, Bộ cũng sẽ có những tính toán về quy hoạch, thiết kế... để đảm bảo về quy mô và công suất, cũng như các thiết bị, công nghệ... theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là vẫn phát huy được hiệu quả sử dụng sau kỳ ASIAD.
Phải tạo ra cơ hội cho Việt Nam
Một bức thư gửi về chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời" đã rất tâm huyết khi chỉ ra thực trạng còn yếu kém của thể thao Việt Nam. Theo đó, tại kỳ Đại hội ASIAD 2010 tại Quảng Châu, chúng ta mới chỉ có 1 HCV, và trong những năm qua, thì thể thao thành tích cao Việt Nam cũng chưa được nâng tầm lên nhiều. Vậy thì trong 7 năm nữa, liệu chúng ta có thể đào tạo và cho ra lò một thế hệ VĐV đủ "mạnh" để có thể nâng thành tích của thể thao Việt Nam lên, cho xứng tầm với một nước chủ nhà ASIAD 18 hay không?
Thừa nhận những yếu kém hiện nay của thể thao Việt Nam, cũng như chia sẻ những lo lắng của người hâm mộ Việt Nam, tuy nhiên theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, chúng ta có niềm tin là trong những năm qua, đội ngũ VĐV trẻ của Việt Nam đã có những nỗ lực phấn đấu, và trong những năm tới, chúng ta sẽ phải "suy nghĩ về cách đào tạo, chuẩn bị lực lượng như thế nào, để có thể có nhiều HCV và đạt mục tiêu đề ra là cố gắng có từ 10-15 HCV trong kỳ ASIAD sắp tới".
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, nguồn kinh phí 150 triệu USD sẽ phải lấy từ ngân sách nhà nước là chủ yếu, ngoài ra sẽ huy động các nguồn lực xã hội hóa cũng như sự đóng góp của các đoàn tham gia. |
Cũng theo Bộ trưởng, điều chúng ta "hướng" tới việc đăng cai ASIAD sẽ lớn hơn việc đạt thành tích cao này. "Chúng tôi hướng tới nhiều mục tiêu. Thứ nhất, mục tiêu về chính trị là khẳng định và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thứ đến là mục tiêu kinh tế, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mục tiêu thứ ba về văn hóa. Đây sẽ là dịp để người dân tận hưởng một kỳ đại hội thể thao tầm cỡ châu lục, cũng như những giá trị mà đại hội ASIAD mang lại. Và riêng với thể thao Việt Nam, đây sẽ là dịp để chúng ta đẩy mạnh việc thực hiện thể thao phong trào và thể thao thành tích cao", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ đang tập trung xây dựng kế hoạch tổng thể tổ chức ASIAD 18 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, các nội dung cần triển khai là việc thành lập Ban chỉ đạo, BTC, chuẩn bị lực lượng VĐV, chuẩn bị cơ sở vật chất, rồi công tác tuyên truyền, quảng bá...
Tuyết Anh