Bên lề Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ ý kiến về Biển Đông và những nỗ lực của các bên nhằm đảm bảo cho một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải, hàng không…
Mong muốn giải quyết các vấn đề Biển Đông một cách hòa bình
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ tịch thứ hai của Ủy ban Luật pháp quốc tế - cơ quan chính của Liên hợp quốc trong việc pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế, đánh giá trong cả hai Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và 37, vấn đề Biển Đông đều nhận được đồng thuận từ các vị Lãnh đạo rằng: cơ sở pháp lý duy nhất và nhất quán để giải quyết các vấn đề của Biển Đông, đó là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và tất cả các nước sẽ thúc đẩy nhanh chóng tiến trình đàm phán và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), văn bản điều hành tất cả những xử sự trên biển giữa các bên liên quan vì một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Nêu một loạt những cuộc tranh luận về công hàm tại Liên hợp quốc (hơn 30 công hàm) vừa qua liên quan đến Biển Đông, sau khi Malaysia nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của mình trên Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa vào tháng 12/2019, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho rằng tình hình ở Biển Đông đang thay đổi rất nhiều và cho thấy rằng, các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết bằng các bên tranh chấp và sự hợp tác chung của cộng đồng quốc tế cũng như khu vực.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhận định việc các nước ngoài khu vực trao công hàm về Biển Đông là một sự thay đổi nhận thức của cộng đồng quốc tế. "Tôi cho rằng càng ngày thế giới sẽ cần nhìn nhận vai trò của UNCLOS 1982 và các nước sẽ cùng nhau đi đến tìm những biện pháp để giải quyết", Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nói.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao bày tỏ tin tưởng mặc dù các bên còn có rất nhiều những trở ngại, những bất đồng nhưng với sự đoàn kết trong ASEAN cũng như nhận thức về luật pháp quốc tế, công cụ để giải quyết tranh chấp, sẽ dần dần tiệm cận được với một giải pháp mà tất cả các bên có thể chấp nhận được.
Vấn đề Biển Đông không chỉ của riêng ASEAN, Trung Quốc
Đánh giá về tình hình Biển Đông trong bối cảnh hiện nay, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ cho rằng, thế giới đang đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là dịch COVID-19. Cuộc đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng trên nhiều lĩnh vực.
Dưới góc độ pháp lý, các quốc gia lên tiếng không chỉ bằng những tuyên bố ngoại giao, bằng những công hàm song phương giữa các nước mà bằng công hàm gửi các tổ chức của Liên hợp quốc. Đây là mức độ và hình thức đấu tranh cao hơn rất nhiều so với trước đây, trở thành vấn đề quốc tế. Đáng lưu ý, trong nội dung của các công hàm đó, lần đầu tiên các nước đề cập đến việc phải tuân thủ UNCLOS 1982 với những chi tiết cụ thể như: Việc đưa ra yêu sách ở Biển Đông phải căn cứ vào UNCLOS 1982, đặc biệt là yêu sách đối với các thực thể đang tồn tại ở Biển Đông để tính ra các vùng biển.
"Điều này hết sức quan trọng, bởi vì nó cho thấy rõ Việt Nam và các nước đều chung quan điểm, với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa, các thực thể của nó, nếu căn cứ UNCLOS 1982, không thể áp dụng để xây dựng, thiết lập hay công bố đường cơ sở như là quốc gia quần đảo. Việc đó hoàn toàn trái với UNCLOS 1982", Tiến sỹ Trần Công Trục cho biết.
Yêu sách "đường chín đoạn" là hoàn toàn phi pháp, đi ngược lại các quy định của UNCLOS 1982, của chính sách về đối ngoại, về bảo vệ các quyền hợp pháp của các nước trong Biển Đông.
Đánh giá về tiến trình đàm phán COC trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến trong khu vực, Tiến sỹ Trần Công Trục cho biết: Đàm phán COC đã diễn ra khá lâu và hiện có những bước tiến về mặt thủ tục, quy trình đàm phán. Vấn đề Biển Đông liên quan rất nhiều đến không chỉ ASEAN, Trung Quốc mà còn với các nước khác trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Trần Công Trục, các bên cần xác định chủ thể của COC, phạm vi điều chỉnh, do đó sẽ cần một thời gian dài để đàm phán COC đi vào thực chất.
Chia sẻ câu chuyện Biển Đông với ASEAN, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông là hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải. Điều này là rất quan trọng, thiết thân với khu vực. Tất cả các nước trong và ngoài khu vực đều có lợi ích chung đối với khu vực này
Đây là khu vực địa chiến lược, địa kinh tế, thông thương tự do hàng hải. Quốc gia nào cũng muốn tự do hàng hải, thương mại, đi lại được bảo đảm ở khu vực này.
Bên cạnh đó, khu vực này tồn tại những chồng lấn và tranh chấp về đòi hỏi chủ quyền giữa các bên liên quan. Việc giải quyết những tranh chấp này phải được thực hiện bằng biện pháp hòa bình, bằng tham vấn, đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng cho rằng, những tranh chấp đòi hỏi chủ quyền và các bên có hành vi vi phạm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông, là vi phạm lợi ích chung. Do đó, các nước trong và ngoài khu vực phải có tiếng nói về vấn đề này.
"Nếu có những hành vi xâm phạm vùng thềm lục địa, đặc quyền của các quốc gia ven biển theo luật pháp quốc tế thì phải phản đối. Không chỉ quốc gia đó phản đối mà cả ASEAN cũng cần lên tiếng phản đối", Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định.