Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Chậm ban hành nghị định Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đã hết nửa năm 2018 nhưng đến nay kiểm tra lại, tiến độ thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh chuyển biến rất chậm. Những bất cập, tồn tại về kiểm tra chuyên ngành chưa được cải cách triệt để theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Trong tuần qua, Thủ tướng đã hai lần nhắc về việc đôn đốc các bộ trình các nghị định về cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính. Tại phiên họp Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng cũng rất gắt gao việc này. Hôm qua, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ dự thảo chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường cải cách các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm các thủ tục hành chính, đặc biệt là với hàng hóa xuất nhập khẩu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Theo Bộ trưởng, Tổ công tác đã tiến hành 4 cuộc kiểm tra với Bộ Tư pháp, Tài chính, Giáo dục – Đào tạo, Văn hóa – Thể thao – Du lịch trong việc xây dựng phương án rà soát, đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh còn chồng chéo bất cập. Sau kiểm tra, Tổ công tác có báo cáo Chính phủ tại phiên họp hàng tháng và có kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và cắt giảm các điều kiện kinh doanh với tinh thần làm thực chất, làm đâu được đấy và làm đâu chắc đó. Khi cắt giảm không sinh các thủ tục khác.
“Trong thời điểm hiện nay, rất cần cởi trói cho doanh nghiệp, cởi trói cho hoạt động kinh doanh để hàng hóa gia nhập thị trường tốt hơn”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 30/6 là thời điểm các bộ phải trình dự thảo nghị định để hoàn thành vào ngày 30/7 nhưng đến nay rất chậm. Hiện các nghị định chủ yếu đang trong thời kỳ soạn thảo. Mới có Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có dự thảo và đang xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Một số bộ đang soạn thảo trong phạm vi của bộ hoặc đang thẩm định ở Bộ Tư pháp, chưa gửi Văn phòng Chính phủ.
Tốn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp Doanh nghiệp mở tờ khai hàng hóa XNK tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thực tế mới có Bộ Công Thương đi đầu cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh khi ban hành Nghị định 08 vào tháng 1/2018, từ đó đến nay chưa bộ nào cắt giảm. Những việc đã công bố nhưng để thời gian quá dài chưa thực hiện, sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp, nên phải đốc thúc.
Bộ trưởng nêu ví dụ cụ thể liên quan việc kiểm tra hàng hóa khi thông quan, đồng thời nhấn mạnh việc đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục cần phải thực chất, tránh hình thức, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng nêu việc một tàu chở 5 loại hàng của 5 chủ hàng, theo yêu cầu của hải quan phải hoàn thành thủ tục của cả 5 lô hàng mới được thông quan, cho dù 4 lô hàng đã xong thủ tục nhưng vẫn phải chờ lô hàng thứ 5 mới được thông quan.
Việc kiểm định vacine cũng vậy. Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã chỉ định 2 Trung tâm ở khu vực phía Nam và khu vực phía Bắc thực hiện nhưng Trung tâm ở phía Bắc bị đình chỉ từ tháng 2/2018. Cả nước tập trung vào Trung tâm kiểm định phía Nam, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đi lại tốn kém rất nhiều.
Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, thịt bò nhập khẩu bị áp giá đánh thuế cao hơn giá thị trường, nhập khẩu hạt giống vào Việt Nam chậm cấp phép, trong khi giống này cần từng ngày, từng tháng.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chi phí phục vụ kiểm tra mà các doanh nghiệp phải chịu vẫn còn rất lớn do việc kiểm tra lô hàng trước không được thừa nhận. Ví dụ cứ 5 lô hàng doanh nghiệp nhập thì có 1 lô phải kiểm tra chuyên ngành, trong khi lô hàng đó đã được chứng minh không có rủi ro nhưng doanh nghiệp vẫn phải kiểm tra.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thời gian tuân thủ chứng từ kiểm tra chuyên ngành hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam là 76 giờ, cao hơn rất nhiều so với bình quân của ASEAN-4 là 28 giờ.
“Chúng ta nói là chúng ta cải cách rất nhiều nhưng đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho rằng thời gian của doanh nghiệp liên quan đến kiểm tra chuyên ngành còn rất cao. Như vậy, khâu tuân thủ kiểm tra chuyên ngành là khâu tốn thời gian nhất khi doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, kết quả thực tế của một số bộ, ngành trong cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu chưa được như mong đợi. Đến nay mới chỉ có khoảng 6% các mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra chuyên ngành. Mặc dù có nhiều cải cách về thủ tục song thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ ba lần so với các nước ASEAN-4.
Ông Lộc kiến nghị cần xóa bỏ tình trạng độc quyền trong hoạt động kiểm tra, đánh giá sự phù hợp. Theo đó, cần có cơ chế để tất cả các tổ chức chứng nhận sự phù hợp đáp ứng năng lực chuyên môn đều có thể tham gia vào hoạt động kiểm tra chứng nhận sự phù hợp của các sản phẩm hàng hóa. Điều này nhằm tránh tình trạng chuyển độc quyền kiểm tra chuyên ngành từ “một cơ quan quản lý chuyên ngành” sang “một/một số tổ chức chứng nhận sự phù hợp”.
Chủ tịch VCCI nhận định, mục tiêu hoàn thành cắt giảm 50% tổng số điều kiện kinh doanh trước ngày 31/10/2018 là một thách thức rất lớn, chưa kể quá trình soạn thảo nghị định, thời gian chờ thủ tục thông qua. Trong khi đó, chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất. Theo Chủ tịch VCCI, các phương án cải cách cần mang tính triệt để. Các bộ cần mở rộng đánh giá các điều kiện kinh doanh chứa đựng trong Luật, để có phương án sửa đổi hoặc bãi bỏ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Khi soạn thảo phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, các bộ cần tích cực tham vấn VCCI và các hiệp hội liên quan.
Giải thích về việc phải hoàn thành toàn bộ thủ tục của 5 lô hàng mới được thông quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình cho hay, khi tàu vào, hải quan phải đưa toàn bộ 5 lô hàng xuống cảng, tiếp nhận vào kho bãi.
“Giả sử có 5 chủ hàng độc lập thì không có chuyện 4 lô hàng xong rồi vẫn tắc được. Có thể 1 lô hàng, chủ hàng mở rất nhiều tờ khai vì trong lô đấy có rất nhiều hàng hóa khác nhau, chính sách nhà nước quản lý từng loại hàng hóa khác nhau. Căn cứ vào từng tờ khai, cơ quan Hải quan xem được tờ khai nào thì thông quan tờ khai đó, không có đoạn nào tắc”, ông Nguyễn Công Bình nói.
Liên quan đến thuế nhập khẩu thịt bò, theo ông Nguyễn Công Bình, hải quan áp giá hoàn toàn tuân thủ theo tiêu chuẩn của GATS (Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ của WTO). Hải quan có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa nhập khẩu để tránh trốn thuế, chuyển giá, chống rửa tiền, nên nguyên tắc xác định giá trị của hải quan là quản lý rủi ro, nghĩa là hàng kỳ sẽ thay đổi để bảo đảm chống khai gian giá.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ hoàn thành các thủ tục và trình Thủ tướng nghị định về cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính theo quy trình thủ tục rút gọn, một nghị định sửa nhiều nghị định. Thủ tướng sẽ thay mặt Chính phủ ký nghị định, công bố trước ngày 15/8.